Argentina dường như đang bước vào ngưỡng cửa khủng hoảng?

Giá tiêu dùng tăng vọt hơn 54% trong 12 tháng tính đến tháng Ba bất chấp các nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát lạm phát, nghèo đói gia tăng và môi trường kinh doanh bị hủy hoại.
Argentina dường như đang bước vào ngưỡng cửa khủng hoảng? ảnh 1Người dân tham gia biểu tình phản đối chính sách kinh tế của Chính phủ tại Buenos Aires, Argentina, ngày 13/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, Argentina có vẻ một lần nữa lâm vào khủng hoảng kinh tế vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước này trong hơn 70 năm qua.

Giá tiêu dùng tăng vọt hơn 54% trong 12 tháng tính đến tháng Ba năm nay bất chấp các nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát lạm phát, nghèo đói gia tăng và môi trường kinh doanh bị hủy hoại do tỷ lệ cho vay cao.

Đồng peso, mất 50,5% giá trị so với đồng USD trong năm 2018, tiếp tục giảm thêm 15% kể từ đầu năm đến nay, buộc ngân hàng trung ương ngày 29/4 vừa qua phải nới lỏng những hạn chế đối với sự can thiệp thị trường ngoại hối.

Tình hình này rõ ràng đang đe dọa cơ hội tái cử của Tổng thống Mauricio Macri vào tháng 10 tới đây. Điều này có thể tái diễn như thế nào ở một nước từng giàu hơn tất cả các nước láng giềng Mỹ Latinh cộng lại?

Có phải lỗi của ông Macri?

Ông Macri tái cử hồi cuối năm 2015 với cam kết thị trường tự do, “bình thường hóa” nền kinh tế sau 8 năm dưới thời Tổng thống Cristina Fernandez, một người theo chủ nghĩa dân túy thắt chặt kiểm soát của chính phủ đối với các thị trường.

[Tổng giám đốc IMF kêu gọi Argentina kiên trì cải cách kinh tế]

Ông đã bổ nhiệm một nội các toàn các nhà kỹ trị, những người cam kết sử dụng các chính sách chính thống để giảm tình trạng lạm phát, thu hút các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa đất nước trở lại con đường phát triển ổn định.

Nhưng một số biện pháp mà ông Macri cam kết là sẽ chữa lành các căn bệnh kinh tế của Argentina đến nay vẫn chỉ dẫn đến một sự ốm yếu khác.

Để thu hút đầu tư, ông Macri đã bắt đầu cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Thứ nhất, trong danh sách cắt giảm ngân sách của ông là những khoản trợ cấp thiết thực giúp các gia đình phục hồi từ giai đoạn vỡ nợ quốc gia và tiền mất giá năm 2001-2002 đẩy hàng triệu người Argentina trung lưu vào cảnh nghèo đói.

Về mặt tài chính, những cắt giảm ngân sách của Macri là rất có ích, chúng có tác động không ngờ đối với những người nhận trợ cấp lâu nay. Mỗi lần trợ cấp tiền nước, điện và khí đốt sưởi ấm bị cắt giảm, hóa đơn sử dụng hàng tháng của người dân lại tăng lên.

Hóa đơn tiêu dùng đã làm suy yếu nền kinh tế vì giảm chi tiêu của người tiêu dùng ở các lĩnh vực khác và thúc đẩy lạm phát khi các doanh nghiệp tăng giá hàng hóa và dịch vụ để chi trả cho các hóa đơn ngày càng tăng của họ.

Nhưng ông Macri bắt đầu hành động

Sau khi nhậm chức tổng thống tháng 12/2015, ông Macri đã có một khởi đầu tốt.

Ông đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ của bà Fernandez và giải quyết mối bất bình lâu nay của những người nắm giữ trái phiếu chính phủ chưa được thanh toán.

Tháng 10/2017, liên minh cầm quyền của ông đã chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử quốc hội. Tương lai chính trị của ông Macri có vẻ tươi sáng.

Nhưng giá nhân công cao của Argentina và các nghiệp đoàn tiếp tục tổ chức các cuộc bãi công đã xua đuổi các nhà đầu tư.

Những khoản đầu tư nước ngoài lớn mà Macri cam kết đã không bao giờ đến đất nước này và ngân hàng trung ương dường như nhất quyết giải quyết mối đe dọa lạm phát liên quan đến cắt giảm trợ cấp.

Khi Mỹ tăng lãi suất hồi năm ngoái, tiền bắt đầu chạy khỏi Argentina và các thị trường gặp rủi ro cao hơn. Tất cả điều này đã gây áp lực lên đồng peso, buộc ngân hàng trung ương tăng lãi suất và đè nặng thêm nền kinh tế. Một vòng xoáy sợ hãi, đầu tư tư nhân thấp, suy thoái và lạm phát trở nên nghiêm trọng.

Khi những hoài nghi quen thuộc xuất hiện trở lại xung quanh khả năng trả nợ của Argentina, ông Macri đã thương lượng một thỏa thuận tài chính dự phòng 56,3 tỷ USD với Quỹ tiền tệ quốc tế.

Thỏa thuận này bao gồm một cam kết từ chính phủ giảm thâm hụt ngân sách tài chính trong năm 2019.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Macri đã cắt giảm thêm nữa các khoản trợ cấp, đẩy lạm phát lên cao.

Trong khi đó, lãi suất của ngân hàng trung ương đã tăng hơn 74% để vực dậy đồng peso đang suy yếu cho dù không nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Cristina Fernandez phần hai?

Một số người Argentina đang bắt đầu muốn nhìn lại nhiệm kỳ của Tổng thống Fernandez.

Bà vẫn nhận được sự ủng hộ trong nhóm cử tri có thu nhập thấp, những người được hưởng lợi từ những khoản phúc lợi hào phóng trong các chính quyền của bà từ năm 2007-2015.

Argentina dường như đang bước vào ngưỡng cửa khủng hoảng? ảnh 2Cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bà Fernandez có thể tạo ra một thách thức lớn đối với ông Macri nếu bà chạy đua một nhiệm kỳ khác trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.

Như những gì nền kinh tế đã phải chịu đựng dưới thời ông Macri, nhiều nhà đầu tư lo sợ rằng dưới thời nhân vật cánh tả Fernandez có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Kịch bản là khi các nhà đầu tư lo ngại về sự bất ổn chính trị, họ sẽ rút tiền ra khỏi Argentina và điều đó sẽ khiến ông Macri gặp khó khăn hơn khi theo đuổi các chính sách chính thống và tái cử.

Tổng thống đã buộc phải ủng hộ một số chính sách dân túy, bao gồm thuế xuất khẩu ngũ cốc và bình ổn giá nhu yếu phẩm, hai mục tiêu của bà Fernandez nhiều năm qua.

Điều này đã làm tăng lo ngại trong giới đầu tư, những người cho rằng các biện pháp này đi ngược lại nền tảng thị trường thân thiện của Macri.

Với cuộc bầu cử tháng 10 đang đến gần, điều chắc chắn duy nhất ở Argentina là sự bất ổn sẽ tiếp tục ngự trị trong những tháng tới đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.