Ngày 11/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng chương trình cải cách kinh tế của Argentina đang bắt đầu cho kết quả, vì vậy sẽ là thiếu sáng suốt nếu các ứng viên tranh cử tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 10 tới có ý định hủy chương trình này.
Nền kinh tế hàng đầu khu vực Nam Mỹ đã rơi vào khủng hoảng trong nhiều năm và phải dựa vào quỹ hỗ trợ của IMF để lập lại ổn định dù mối quan hệ hai bên không mấy tốt đẹp.
Phát biểu với báo giới trước khi Hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc tại Mỹ, bà Lagarde nhận định giờ là lúc chương trình cải cách kinh tế Argentina bắt đầu có hiệu quả.
Các đánh giá của IMF cho thấy nền kinh tế Argentina đang dần thoát đáy. IMF dự báo kinh tế Argentina sẽ thu suy giảm 1,2% trong năm nay nhưng các dấu hiệu tăng trưởng sẽ xuất hiện từ quý 2 này để giúp quốc gia này đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% năm 2020.
Vì vậy, Tổng Giám đốc IMF cho rằng các ứng viên tranh cử tổng thống không nên có ý định hủy bỏ tiến trình cải cách sau rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện với một trong những ưu tiên chính là an sinh xã hội.
Hồi tháng 6/2018, Argentina đã đạt được gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ USD từ IMF. Đến tháng 10 này, Argentina yêu cầu IMF hỗ trợ thêm và nhận được khoản bổ sung 6 tỷ USD, đổi lại Buenos Aires phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo hơn.
[Hội nghị mùa Xuân IMF-WB: Kinh tế thế giới đối mặt với bất trắc lớn]
Các số liệu thống kê cho thấy kinh tế Argentina suy giảm 3,5% trong quý 3/2018 sau khi giảm 4% trong quý 2 cùng năm. Chỉ tính riêng tháng 11/2018, nền kinh tế Nam Mỹ này suy giảm tới 7,5%.
Liên quan vấn đề Venezuela bà Lagarde cho biết tổ chức này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về viện trợ cho Venezuela trong bối cảnh tình hình hiện nay ở nước này, tuy nhiên cả IMF và WB đều khẳng định đang chuẩn bị nhanh nhất có thể giúp xoa dịu khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela.
Chủ tịch WB David Malpass trước đó cũng cho biết các thành viên chủ chốt của WB sẽ quyết định thời điểm và cách thức hỗ trợ Caracas. Ông này cho rằng về phương diện chính trị, WB sẽ đợi định hướng từ cộng đồng quốc tễ và các thành viên chủ chốt và đây không phải là vấn đề mà WB có thể tự quyết định.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này.
Tổng thống Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính của phe đối lập với sự tiếp tay của Mỹ và một số nước láng giềng.
Ông Maduro cũng bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế nước này./.