WB dự báo kinh tế Venezuela tiếp tục suy giảm mạnh

WB dự báo GDP của Venezuela sẽ tăng trưởng -25% trong năm nay sau và giảm 60% kể từ năm 2013, đồng thời cho biết nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử hiện đại của khu vực.
Người dân trên đường phố ở Caracas, Venezuela, ngày 13/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người dân trên đường phố ở Caracas, Venezuela, ngày 13/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/4 dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela sẽ tăng trưởng -25% trong năm nay sau khi suy giảm 17% trong năm ngoái và giảm 60% kể từ năm 2013, đồng thời cho biết nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử hiện đại của khu vực.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá triển vọng kinh tế khu vực Mỹ Latinh, WB cảnh báo các điều kiện kinh tế, xã hội tại Venezuela sẽ tiếp tục xấu đi nhanh chóng trong thời gian tới do giá dầu giảm, chính sách bất ổn, sự điều chỉnh ngân sách và quản lý kinh tế kém hiệu quả của chính phủ.

WB chỉ trích những chính sách của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra trong lĩnh vực nợ công, ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai đất nước, gây ra tình trạng siêu lạm phát, đồng tiền nội tệ mất giá, hoạt động sản xuất và tiêu dùng giảm.

[Cuộc khủng hoảng ở Venezuela: Điều gì sắp xảy ra?]

Tỷ lệ lạm phát nước này đã lên tới 1,37 triệu % vào cuối năm 2018 và ước tính có thể ở mức 10 triệu % vào năm nay.

WB dẫn các nguồn không chính thức khác cho biết tỷ lệ nghèo tại quốc gia Nam Mỹ này chiếm tới 90% dân số, đồng thời cho hay Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính số người dân Venezuela rời khỏi đất nước sẽ vượt 5 triệu người vào cuối năm 2019.

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh trong năm nay từ 1,6% đưa ra vào 6 tháng trước xuống 0,9%, chủ yếu do nền kinh tế Brazil, Mexico và Argentina tăng trưởng yếu và cuộc khủng hoảng hiện nay tại Caracas./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.