Argentina kiện các công ty thăm dò dầu khí ở đảo tranh chấp

Ngày 17/4, Buenos Aires khởi kiện 5 công ty; trong đó có 3 công ty Anh và 2 công ty Mỹ, đang thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands.
Giàn khoan của Anh tại vùng biển tranh chấp. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ ngoại giao giữa Argentina và Anh khi ngày 17/4, Buenos Aires tuyên bố khởi kiện 5 công ty; trong đó có 3 công ty Anh và 2 công ty Mỹ, đang khoan thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp mà Argentina gọi là Malvinas trong khi Anh gọi là Falklands.

Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Malvinas của Argentina Daniel Filmus cho biết nước này đã tiến hành khởi kiện các công ty nói trên và một thẩm phán của tỉnh Río Grande hiện đang thụ lý vụ kiện này.

Ông Filmus nhấn mạnh mọi hoạt động thăm dò và khai thác tại thềm lục địa của Argentina mà không có sự cho phép của chính phủ nước này là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định Buenos Aires sẽ dùng luật quốc tế và luật quốc gia để giải quyết vụ việc.

Quan chức cũng cảnh báo theo Luật Dầu khí quốc gia Nam Mỹ năm 2013, Tòa án Argentina có thể tuyên án 15 năm tù giam cùng với khoản phạt tương đương giá trị của 1,5 triệu thùng dầu đối với những người điều hành các công ty thăm dò và khai thác dầu khí mà không được sự cho phép của chính phủ.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của Argentina, cáo buộc đây là một hành động "đe dọa đến quyền lợi chính đáng của người dân quần đảo Falklands/Malvinas để phát huy các nguồn lực kinh tế."

Quan chức này đồng thời kêu gọi Argentina cần chấm dứt hành động "hăm dọa" trên.

Hồi tháng Ba vừa qua, các công ty của Anh gồm Premier Oil, Falklands Oil & Gas và Rockhopper đã lai dắt giàn khoan Eirik Raude tới quần đảo tranh chấp trên để tiến hành khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Đầu tháng Tư này, truyền thông Anh tiếp tục đưa tin các công ty trên đã phát hiện một giếng dầu mỏ-khí đốt tại một trong 4 giếng khoan ở phía Bắc quần đảo tranh chấp.

Ngay lập tức, Chính phủ Argentina đã lên tiếng phản đối hành động này của phía Anh và yêu cầu London rút giàn khoan.

Tổng thống Argentina Cristina Fernandez coi thông báo từ các công ty của Anh là "hành động khiêu khích," trong khi giới chức Argentina cảnh báo sẽ khởi kiện các công ty dầu khí hoạt động gần quần đảo này.

Anh đóng quân trên quần đảo Falklands/Malvinas từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó bị đánh bại.

Tranh chấp dai dẳng giữa hai bên về chủ quyền quần đảo này lại gia tăng trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Argentina Cristina Fernandez.

Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục