Chính phủ Argentina đã tiếp tục cho nghỉ việc thêm hàng nghìn viên chức nhà nước, nâng số người lao động trong khối này bị cho thôi việc tính từ tháng 12/2015 đến nay lên 20.000 người.
Các quan chức chính phủ tuyên bố nguyên nhân cho thôi việc những viên chức trên là do làm việc không hiệu quả và không cần thiết.
Trước đó, ngày 23/2, Bộ trưởng Hiện đại hóa Andrés Ibarra thông báo chính phủ đang xem xét lại hợp đồng lao động của 25.000 viên chức khác được ký trong ba năm gần đây để tiếp tục sa thải trong tháng này.
Theo thống kê của các tổ chức công đoàn, kể từ tháng 12 tới nay, hơn 200.000 người lao động cả khối nhà nước cũng như tư nhân đã bị mất việc làm.
Tuy nhiên, quyết định trên của chính quyền Tổng thống Mauricio Macri đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận.
Ngày 24/2, Hiệp hội Người lao động quốc gia (ATE) cùng các tổ chức công đoàn ở Argentina đã phát động một cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người phản đối quyết định trên, cũng như yêu cầu đòi tăng lương.
Ông Hugo Godoy, Tổng Thư ký ATE, cho rằng chính phủ hiện nay đang thực hiện mô hình kinh tế chủ nghĩa tự do mới đã áp dụng ở nước này trong những năm 90 của thế kỷ trước từng đẩy Argentina tới bờ của “một cuộc nội chiến."
Những người biểu tình cũng phản đối việc ngày 17/2 vừa qua, chính phủ thông qua nghị định cấm tụ tập và biểu tình trên đường phố gây cản trở đi lại và giao thông, đồng thời cho phép cảnh sát can thiệp để ngăn cản người biểu tình. Các tổ chức công đoàn cho rằng chính sách này là vi phạm Hiến pháp.
Trong khi đó, dư luận Argentina cho rằng việc sa thải hàng loạt hiện nay là nhằm vào những người thân cận với Chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Cristina Fernandez. Tuy nhiên, nhiều viên chức khẳng định họ đã có thời gian làm việc hơn 10 năm và không thuộc bất cứ đảng phái nào nhưng vẫn bị buộc phải nghỉ việc./.