Argentina tố cáo HSBC hỗ trợ hàng nghìn đối tượng trốn thuế

Các đối tượng này đã trốn thuế khoảng 3 tỷ USD bằng cách thông qua các nhà trung gian để chuyển tiền đến một mạng lưới các tài khoản mật ở Thụy Sĩ.
Argentina tố cáo HSBC hỗ trợ hàng nghìn đối tượng trốn thuế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Ngày 28/11, Cơ quan Quản lý thuế Argentina (AFIP) tố cáo ngân hàng HSBC đã hỗ trợ hơn 4.000 đối tượng Argentina trốn thuế.

Giám đốc AFIP Ricardo Echegaray cho biết các đối tượng nói trên đã trốn thuế khoảng 3 tỷ USD bằng cách thông qua các nhà trung gian để chuyển tiền đến một mạng lưới các tài khoản mật ở Thụy Sĩ.

Trong cáo buộc gửi lên tòa liên bang, AFIP nghi ngờ một vài tài khoản trong số này là của Chủ tịch HSBC tại Argentina và các lãnh đạo cấp cao khác trong ngân hàng.

Ông khẳng định AFIP sẽ truy tìm các tài khoản trốn thuế nói trên vì mục đích của nhà chức trách là thu thuế và giảm thiệt hại cho những người đóng thuế thấp hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thuế Argentina không đề cập đến khả năng liệu HSBC tại Argentina có bị đình chỉ hoạt động hay không.

Phản bác cáo buộc của AFIP, HSBC khẳng định ngân hàng này tuân thủ luật pháp Argentina và không thực hiện các hành vi sai trái.

Thông báo HSBC khẳng định chi nhánh tại Argentina phản đối việc dính líu vào bất cứ tổ chức bất hợp pháp nào, trong đó bao gồm cả các tổ chức cho phép luân chuyển tiền nhằm trốn thuế và HSBC Argentina không có bất cứ tài khoản nào trong HSBC tại Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, HSBC hiện đang trở thành đối tượng điều tra của nhiều nơi trên thế giới. AFIP cho biết đã nhận thông tin từ nhà chức trách Pháp, nơi HSBC đã bị điều tra từ tuần trước vì bị nghi ngờ tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Tại Bỉ, HSBC cũng bị cáo buộc tiến hành hoạt động gian lận tài chính có tổ chức.

Lời cáo buộc nhằm vào HSBC được xem là một nỗ lực nữa của Chính phủ Argentina nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát ngoại tệ (USD) trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn ngoại tệ.

Trước đó, Chính phủ Argentina cũng chỉ trích một số công ty nước ngoài liên quan đến hoạt động này, trong đó có Procter & Gamble bị cáo buộc gian lận thuế và bị đình chỉ hoạt động.

Buenos Aires đang tìm cách giữ ngoại tệ (USD) trong nước để Ngân hàng Trung ương thanh toán các khoản nợ của chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp các cố gắng trên, dự trữ ngoại tệ của nước này tiếp tục sụt giảm.

Trong khi các biện pháp kiểm soát tiền tệ của chính phủ cấm giao dịch trao đổi đồng nội tệ của Argentina (pesos) với USD trên thị trường chính thức, nhiều người Argentina đã chuyển sang mua USD trên thị trường tự do (chợ đen) nhằm bảo vệ tài sản của họ tại một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

Argentina bị tách khỏi các thị trường tín dụng toàn cầu kể từ khi xảy ra cú sốc vỡ nợ 100 tỷ USD năm 2001-2002. Sau đó, quốc gia này đã tìm cách tiếp cận trở lại các thị trường vốn nước ngoài song nỗ lực này lại bị ngăn cản sau khi một tòa án tại Mỹ phán quyết yêu cầu Argentina phải trả nợ và lãi cho hai quỹ đầu tư của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.