Armenia và Azerbaijan tiếp tục đàm phán hòa bình sau cuộc gặp ở Berlin

Bộ Ngoại giao Đức đánh giá thỏa thuận tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán là “dấu hiệu rất tốt," đồng thời cho biết Armenia và Azerbaijan muốn làm việc từng bước để hướng tới thỏa thuận hòa bình.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (giữa) chủ trì cuộc đàm phán hòa bình giữa Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan (trái) và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại Berlin, ngày 28/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (giữa) chủ trì cuộc đàm phán hòa bình giữa Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan (trái) và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại Berlin, ngày 28/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Đức ngày 1/3 thông báo Armenia và Azerbaijan đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình sau nỗ lực mới ở Berlin trong tuần này nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa các nước vùng Caucasus này.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết hai nước rất quan tâm đến việc tiếp tục cùng nhau làm rõ các vấn đề còn tồn tại và gặp lại nhau vì mục đích này.

Trước đó, ngày 29/2, Bộ Ngoại giao Armenia và Azerbaijan cùng ra tuyên bố cho biết Yerevan và Baku mong muốn “tiếp tục đàm phán về các vấn đề mở."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức đánh giá thỏa thuận tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán là “dấu hiệu rất tốt” và cho biết hai bên muốn làm việc từng bước để hướng tới thỏa thuận hòa bình.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tổ chức hai ngày đàm phán 28 và 29/2 tại Berlin dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao kể từ tháng 9/2023 khi Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và chỉ sau 1 ngày giao tranh, Azerbaijan tuyên bố giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi các nhóm người sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng.

Sau đó, hầu hết người sắc tộc Armenia trong khu vực (trên 100.000 người) đã phải di cư sang Armenia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.