ASEAN 2020: Hướng tới mục tiêu ký kết RCEP trong năm 2020

Nếu được ký kết trong năm 2020, RCEP sẽ góp phần phát đi tín hiệu các nước tham gia đàm phán đều ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.
Lãnh đạo các nước thành viên dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Lãnh đạo các nước thành viên dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa mới khẳng định lại một lần nữa về việc nước này sẽ không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Song bất chấp việc rút lui của Ấn Độ, cho đến nay, 15 nước còn lại tham gia hiệp định này vẫn khẳng định quyết tâm sẽ đạt được mục tiêu ký kết RCEP vào cuối năm 2020.

Nếu đạt được việc ký kết trong năm 2020, RCEP sẽ góp phần phát đi tín hiệu rằng, các nước tham gia đàm phán đều ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực, từ đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn khu vực. 

Ấn Độ giữ nguyên quan điểm không tham gia RCEP

Được ASEAN khởi xướng vào tháng 11/2012, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Ban đầu, hiệp định RCEP đặt kỳ vọng khi được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng (45% dân số toàn cầu) và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Con số này được cho là lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018 (với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu).

[Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau dịch COVID-19]

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Đặc biệt, trong bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, EU, Canada, Nhật Bản... gia tăng, RCEP có thể đóng vai trò thúc đẩy đáng kể cho thương mại quốc tế.

Với những kỳ vọng đó, tiến trình đàm phán tiến tới ký kết hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào tháng 5/2013.

Ban đầu RCEP từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).

Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã gặp những trở ngại nhất định khiến hiệp định này vẫn chưa thể được ký kết.

Nguyên nhân khiến RCEP bị trì hoãn nhiều lần chủ yếu là do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, ví dụ như giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc…

Phải đến hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan đầu tháng 11/2019, các nước tham gia RCEP mới đạt bước tiến quan trọng khi cơ bản hoàn tất tiến trình đàm phán về Hiệp định trên văn bản, cũng như cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường.

Tại ASEAN 35, lãnh đạo các nước thành viên RCEP đã cam kết lùi thời hạn ký văn kiện này vào năm 2020 để thúc đẩy giao dịch thương mại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và tự do hóa cho các hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là chính tại Thái Lan, nơi các nhà lãnh đạo châu Á tuyên bố bước đột phá, chính thức khép lại đàm phán RCEP thì vào phút cuối Ấn Độ lại thông báo rút khỏi RCEP với lý do lo ngại về dòng sản phẩm Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá khi thâm nhập thị trường nước này.

ASEAN 2020: Hướng tới mục tiêu ký kết RCEP trong năm 2020 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lý giải cho việc rút lui khỏi RCEP, Thủ tướng Narendra Modi từng cho biết Ấn Độ không tham gia RCEP vì các cuộc đàm phán không giải quyết được các vấn đề nổi cộm và những quan ngại của New Delhi, chủ yếu liên quan đến vấn đề thuế quan.

Ấn Độ do dự bởi quốc gia Nam Á này hiện có ngành nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP và cung cấp việc làm cho 43% lao động (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới).

Việc giảm thuế quan hoặc các rào cản đầu tư có thể kiềm hãm khả năng phát triển của các ngành sản xuất trong nước của Ấn Độ.

Chính bởi vậy mà giới chức Ấn Độ lo ngại rằng các điều khoản của RCEP là không thuận lợi và thiếu công bằng cho quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 11/2019, song các nước thành viên vẫn để ngỏ cánh cửa đối với Ấn Độ.

Gần đây nhất, vào ngày 6/7/2020, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Modi một lần nữa khẳng định nước này sẽ không tham gia RCEP. Ấn Độ có thể lựa chọn ký RCEP vào một thời điểm khác sau đó.

Hướng tới mục tiêu ký kết RCEP trong năm 2020

Mặc dù không nhận được sự quan tâm của Ấn Độ nữa, song 15 quốc gia của RCEP (gọi là RCEP-15) vẫn sẵn sàng biến RCEP trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP-15 chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dân số toàn cầu. Đồng thời, RCEP là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, hướng tới tương lai được thiết kế cho thương mại quốc tế thế kỷ 21.

Các nhà phân tích cho rằng, so với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), RCEP kết hợp một cách cân bằng các cam kết WTO+ để hạ thấp hơn nữa các rào cản thương mại ở biên giới và các điều khoản bổ sung của WTO nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sau biên giới.

Hiệp định có các chương dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trong khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước vì sự thịnh vượng chung.

RCEP còn có tiềm năng đóng vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn thương mại khu vực vì các quy tắc mà hiệp định này giải quyết có thể sẽ trở thành ngưỡng chuẩn và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở châu Á và hơn thế nữa.

Điều này đặc biệt xảy ra khi RCEP có cơ chế mở để các thành viên mới trên toàn cầu có thể tham gia.

Sự vắng mặt của Ấn Độ sẽ làm giảm lợi ích kinh tế của RCEP. Điều này là rõ ràng vì Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, thành viên lớn thứ ba của RCEP-16 và là một quốc gia đang phát triển với hơn 1,3 tỷ dân.

Nhưng nếu phân tích kinh tế theo mô hình cân bằng tổng thể chung (GTAP) tiên tiến và giả định loại bỏ thuế quan hoàn toàn, có thể thấy tác động bất lợi của việc thiếu vắng Ấn Độ không quá cao và có thể kiểm soát được - ngoại trừ Ấn Độ.

Tất cả 15 quốc gia sẽ chứng kiến mức tăng GDP thực tế và RCEP-15 sẽ tạo ra mức tăng GDP thực tế khoảng 137 tỷ USD trong dài hạn. Con số này ước chiếm khoảng 80% so với RCEP-16 (171 tỷ USD).

Do đó, việc đến nay các nước đã hoàn tất được các cuộc đàm phán RCEP được xem là bước tiến rất quan trọng đối với quản trị kinh tế toàn cầu.

RCEP được đánh giá là sẽ mang mại một sự thúc đẩy kịp thời cho chủ nghĩa đa phương, vốn đang bị rút lui ở các khu vực khác trên thế giới, nơi các chính phủ trở lại các chính sách đơn phương.

Thậm chí, ngay cả khi Mỹ dựng lên các bức tường thuế quan và làm suy yếu chức năng của hệ thống thương mại toàn cầu, thì việc các nước châu Á bằng cách hình thành một RCEP lớn và tiêu chuẩn cao, đã cho thấy quyết tâm tập thể để duy trì chủ nghĩa đa phương phù hợp dựa trên các quy tắc, tự do, và trật tự kinh tế quốc tế hợp tác.

Với quyết tâm đó, trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.

ASEAN 2020: Hướng tới mục tiêu ký kết RCEP trong năm 2020 ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10. (Ảnh: TTXVN)

Gần đây nhất là tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10 mới nhất vào ngày 23/6/2020 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.

Đồng thời, tại hội nghị này các nước vẫn khẳng định để ngỏ cánh cửa cho Ấn Độ.

Rõ ràng, ký kết RCEP hiện được xem là ưu tiên cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoại khối trong năm 2020.

Theo các nhà phân tích, với việc các nước tham gia đã hoàn tất đàm phán RCEP, và việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại các quốc gia đã phê chuẩn, khu vực châu Á hiện có thể khai thác hai FTA lớn này để thúc đẩy hội nhập sâu rộng trong khu vực.

Hiện có tới 7 quốc gia (gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) là thành viên của cả CPTPP và RCEP. Đây chính là cơ sở mạnh mẽ cho sự hội tụ có trật tự giữa CPTPP và RCEP.

Điều này cũng góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời đặt nền tảng cho việc thành lập Khu vực thương mại tự do thực sự bao gồm châu Á-Thái Bình Dương, một mục tiêu lâu dài và đầy khát vọng của chủ nghĩa khu vực kinh tế châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.