ASEAN 2020: Nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP

Các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên đã thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và nỗ lực đạt được ký kết RCEP vào cuối năm 2020.
ASEAN 2020: Nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp, sáng 11/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì.

Hội nghị có sự tham gia của Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong hội nghị này, các Bộ trưởng Kinh tế đã thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và nỗ lực đạt được ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2020.

“Hiện trong các bên tham gia Hiệp định RCEP thì còn Ấn Độ chưa đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường với các nước đối tác và Ấn Độ cũng có một số vấn đề nội bộ cần đàm phán thêm. Tại hội nghị này, các Bộ trưởng cũng đã bàn thảo và đưa ra một số biện pháp cho tình hình trên,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết: "Chúng tôi kêu gọi các quan chức kinh tế ASEAN nỗ lực tối đa để chuẩn bị cho các văn kiện đảm bảo cho tiến trình rà soát vẫn tiếp diễn. Việc thúc đẩy đạt được ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một mục tiêu rất quan trọng. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2019, lãnh đạo các quốc gia đã đặt ra mục tiêu phải ký Hiệp định này trong năm 2020."

[Thông qua 12 đề xuất của Việt Nam trong hợp tác kinh tế ASEAN]

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi hy vọng rằng, sau khi bàn thảo trong hội nghị lần này thì có thể hoàn tất các văn kiện vào tháng 5 và ký vào cuối năm nay.

Được khởi động từ tháng 11/2012, RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Hiệp định RCEP nhằm mở rộng hơn nữa và tăng cường chuỗi giá trị vì lợi ích của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như lợi ích của người lao động, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khi được ký kết chính thức, hiệp định sẽ thúc đẩy đáng kể triển vọng tăng trưởng trong tương lai của khu vực và đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 vào tháng 11/2019 tại Thái Lan, Ấn Độ chưa thống nhất với 15 quốc gia còn lại và cho rằng RCEP chưa xử lý thỏa đáng những vấn đề vướng mắc và quan ngại của nước này.

Với vai trò trung tâm, ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các phương án, giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ cũng như các vấn đề khác liên quan đến Hiệp định RCEP, hướng đến ký kết Hiệp định trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.