ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch

Giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, cải thiện dòng chảy thương mại và đầu tư là những chủ đề chính được thảo luận tại các hội nghị ASEAN cùng các đối tác, ngày 13/9.
ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì điểm cầu Hà Nội tại Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20. (Ảnh: Trần Việt /TTXVN)

Ngày 13/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và ASEAN+3 đã lần lượt diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của từng nước đối tác.

Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước ASEAN và đối tác đã trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian qua, những dự đoán cho kinh tế toàn cầu năm 2022 và dành thời gian chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình triển khai các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của nước mình, đồng thời ghi nhận những nỗ lực chung trong khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Về hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc (1991-2021), các Bộ trưởng hoan nghênh Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh và thương mại cũng như các hoạt động khác nhằm kỷ niệm 30 quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Cùng với đó, các Bộ trưởng đánh giá cao những thành tựu trong hợp tác kinh tế, thương mại mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ngoài ra, các Bộ trưởng mong muốn ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt tập trung vào việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

[ASEAN chú trọng phát triển kinh tế số để đẩy nhanh phục hồi]

Về hợp tác kinh tế ASEAN-Hàn Quốc, trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc duy trì mở của thị trường thương mại và đầu tư, đảm bảo sự kết nối chuỗi cung ứng.

Theo các Bộ trưởng, đây là chìa khóa trong việc khắc phục những thách thức đặt ra bởi dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thảo luận định hướng đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc.

Đồng thời, Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác để thực hiện các sáng kiến giữa ASEAN và Hàn Quốc trong việc giảm thiểu các tác động kinh tế của đại dịch và phục hồi bền vững sau dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng ghi nhận các hoạt động và chương trình hợp tác của Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hàn Quốc được triển khai trong thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh dịch COVID-19; trong đó kiến nghị một số sáng kiến, đề xuất mới về hợp tác trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch ảnh 2Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 18 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về hợp tác kinh tế ASEAN-Thụy Sĩ, các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Thụy Sĩ thời gian qua dù gặp phải nhiều thách thức từ dịch COVID-19.

Mặt khác, các Bộ trưởng kêu gọi những đoàn kết và nỗ lực giữa các bên để chống lại đại dịch và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua việc đảm bảo duy trì sự hoạt động của chuỗi cung ứng, tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế mở và minh bạch trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về hợp tác kinh tế ASEAN+3 bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Bộ trưởng ghi nhận và hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 trên cơ sở triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Các Bộ trưởng đã thông qua Chương trình làm việc về Hợp tác kinh tế giai đoạn 2021-2022 và khuyến khích các nước tăng cường hơn nữa hợp tác để cải thiện dòng chảy thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiếp cận chuyển đổi kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, kết nối chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam 2020 và mong muốn đưa Hiệp định vào thực thi vào đầu năm 2022 để giúp củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Tại các hội nghị, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung như củng cố chuỗi cung ứng khu vực và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh nền kinh tế giới đang có nhiều thay đổi và chịu tác động tiêu cực của dch COVID-19.

Các hội nghị trên đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp góp phần vào thành công chung của chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan.

Đáng lưu ý, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và các đối tác khác như Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Australia, New Zealand... sẽ được tiếp tục diễn ra trong 2 ngày còn lại từ 14-15/9/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.