ASEAN-EU tận dụng "động lực tích cực" để thúc đẩy thương mại, đầu tư

Hội nghị Tham vấn AEM-EU nhất trí thăm dò khả năng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
 ASEAN-EU tận dụng "động lực tích cực" để thúc đẩy thương mại, đầu tư ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị Tham vấn AEM-EU lần thứ 19. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Ngày 20/8, tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 19 diễn ra ở thành phố Semarang (Indonesia), hai bên đã cam kết tận dụng động lực tích cực để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Hội nghị ghi nhận cả Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và EU đang trên đà phục hồi hoàn toàn sau tác động của đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của ASEAN, tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều giữa ASEAN và EU đạt 295,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,6% so với năm 2021, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU cũng đạt 24 tỷ USD, đưa EU trở thành nguồn FDI lớn thứ ba của ASEAN.

Hội nghị nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác ASEAN-EU không chỉ dừng lại ở thương mại và đầu tư.

Hội nghị nhắc lại những đóng góp của EU cho Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo trợ xã hội ứng phó với thiên tai, thành phố xanh và bình đẳng giới, qua đó giúp ASEAN nhanh chóng ứng phó và thoát khỏi đại dịch.

Hội nghị hoan nghênh tiến độ triển khai Chương trình Công tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-EU (TIWP) 2022-2023; khuyến khích tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ TIWP và thông qua TIWP ASEAN-EU 2024-2025 nhằm định hướng cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới.

[AMM-56: ASEAN và EU đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu]

Hội nghị đánh giá cao các chương trình ARISE+ (tạo thuận lợi thương mại) và E-READI (đối thoại chính sách EU-ASEAN) do EU tài trợ, đồng thời ghi nhận những đóng góp quan trọng của hai chương trình này nhằm thúc đẩy các nỗ lực hội nhập kinh tế ASEAN cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế giữa ASEAN và EU.

Bên cạnh đó, Hội nghị mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nữa thông qua Sáng kiến Xanh EU-ASEAN trị giá 30 triệu euro (32,67 triệu USD) mới được triển khai và Gói Kết nối Bền vững EU-ASEAN trị giá 60 triệu euro (65,35 triệu USD) góp phần tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược EU-ASEAN và triển khai Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU ở Đông Nam Á.

Hội nghị hoan nghênh báo cáo của Cuộc họp Nhóm Công tác chung ASEAN-EU về thương mại và đầu tư (JWG) và các khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN-EU về kinh tế số, công nghệ xanh và dịch vụ xanh, cũng như phục hồi chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, Hội nghị ghi nhận các nguyên tắc cơ bản được chia sẻ giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Chiến lược Hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Hội nghị nhất trí thăm dò khả năng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của AOIP và Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

 ASEAN-EU tận dụng "động lực tích cực" để thúc đẩy thương mại, đầu tư ảnh 2Đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Tham vấn AEM-EU lần thứ 19. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.