Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo ổn định và tự cường về tài chính nhằm xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sáng tạo và phát triển toàn diện là trọng tâm chính được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương 10 nước ASEAN thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22 (AFMM 22) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ tư (AFMGM 4), cùng các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 3-6/4.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tham dự các hội nghị.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các thành viên đều nhất trí rằng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2018, bên cạnh sự phục hồi về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, sự tăng trưởng ổn định của tiêu dùng cá nhân và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng là điều vô cùng quan trọng; trong đó thị trường tài chính-tiền tệ là một trụ cột không thể thiếu.
Theo đó, các Bộ trưởng Tài chính ghi nhận tiến bộ của ASEAN trong lĩnh vực hội nhập ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn, hoàn thiện bản chào cải thiện trong Gói cam kết thứ Tám về dịch vụ tài chính và mong muốn các nước thành viên sẽ ký kết Gói cam kết thứ tám vào cuối năm 2018.
Hội nghị cũng ghi nhận các nỗ lực phát triển thị trường vốn khu vực thông qua tăng cường năng lực, triển khai các sáng kiến như sửa đổi Cơ chế Đầu tư Tập thể ASEAN (CIS), ban hành Tiêu chuẩn về Trái phiếu Xanh ASEAN, vận hành thí điểm kết nối các thị trường chứng khoán, tạo lập cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin về các công ty niêm yết trong ASEAN và tăng cường luân chuyển các chuyên gia thị trường vốn giữa các nước ASEAN.
Về tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh kết quả đạt được trong việc hài hòa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của 10 nước ASEAN, triển khai Hệ thống thí điểm Quá cảnh Hải quan ASEAN (Hành lang Đông-Tây) tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và trao đổi chính thức thông tin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan từ ngày 1/1/2018.
Các Bộ trưởng mong muốn tất cả các nước sớm hoàn thành việc phê chuẩn Nghị định thư 2 về Chỉ định các cửa khẩu biên giới và Nghị định thư 7 về Hệ thống Quá cảnh Hải quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.
Các Bộ trưởng Tài chính khẳng định yêu cầu hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp về thuế và hệ thống quy định về thuế khấu trừ tại nguồn.
Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các Bộ trưởng Tài chính ủng hộ tài trợ bền vững và huy động nguồn vốn tư nhân cho tài trợ cơ sở hạ tầng trong ASEAN.
Việc giới thiệu danh sách các dự án khả thi và cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng trong ASEAN cho các nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn tài trợ từ khối tư nhân.
[Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22]
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính bày tỏ mong muốn hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn chuẩn bị dự án và quản lý dự án.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hiệu quả là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam và cũng là quan tâm chung của các nước trong khu vực. Vì vậy, các nước cần có kế hoạch chung và cùng xây dựng các giải pháp tài trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, hội nghị đã nghe báo cáo của Giám sát Rủi ro Tài chính và Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Cấp cao về Hội nhập Tài chính và ủng hộ nỗ lực về tăng cường khả năng giám sát và hoạt động của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3.
Các Bộ trưởng ủng hộ triển khai các sáng kiến về Bảo hiểm và Tài trợ rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI), ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng trong lĩnh vực tài chính.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN ủng hộ áp dụng các giải pháp công nghệ tài chính sáng tạo và hiệu quả, ghi nhận kết quả triển khai tài chính toàn diện trong ASEAN thông qua thành lập Cổng thông tin giáo dục tài chính và trao đổi kiến thức về tài chính toàn diện ASEAN và công bố Tài liệu Hướng dẫn về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Về lĩnh vực ngân hàng, các Thống đốc ghi nhận những sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN đang được các Nhóm Công tác triển khai với các kết quả đáng khích lệ, phù hợp với các mục tiêu tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Các Thống đốc đánh giá cao việc các Nhóm công tác đã hoàn thành công tác xây dựng bộ công cụ quản lý kết quả đầu ra bao gồm các chỉ số đo lường hoạt động (KPI), Biểu quản lý rủi ro (RMT).
Với các công cụ hữu hiệu này, các Thống đốc tin tưởng rằng các nước ASEAN sẽ quản lý tốt tiến trình thực hiện các sáng kiến hợp tác và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Văn bản hành động chiến lược ASEAN (SAP) về xây dựng một khu vực ngân hàng tài chính toàn diện và bền vững.
Với chủ đề về “Đổi mới và Tự cường” do nước chủ nhà ASEAN lựa chọn trong năm hợp tác ASEAN 2018, các Thống đốc đã dành thời gian trao đổi về những vấn đề mới nổi trong khu vực như công nghệ tài chính, các giải pháp đảm bảo an ninh không gian mạng…
Hội nghị ghi nhận trong thời gian tới, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính trong kỷ nguyên số sẽ làm mờ đi các ranh giới giữa các thị trường trong quá trình cung cấp dịch vụ tài chính.
Quá trình đó một mặt sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán, sử dụng dịch vụ tài chính xuyên khu vực, mặt khác gia tăng rủi ro liên quốc gia về tấn công an ninh mạng trong khi bản chất của những mối đe dọa này ngày càng trở nên phức tạp và cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan để giải quyết.
Trên cơ sở đó, các Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính ASEAN cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong công tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để tìm kiếm các giải pháp khu vực hữu hiệu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tham dự hội nghị năm nay, ngoài lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN còn có đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB, ADB, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và đại diện cơ quan tài chính, ngân hàng các quốc gia thành viên.
Ngân hàng Đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) lần đầu tiên tham dự hội nghị này. Đây được coi là diễn đàn thường niên quan trọng hàng đầu của các Thống đốc Ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN để cùng nhau đối thoại chính sách và định hướng hội nhập tài chính-ngân hàng trong khu vực./.