Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, được tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar từ ngày 10-11/05/2014.
Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2014 của Myanmar. Năm nay cũng là lần đầu tiên Myanmar đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN kể từ khi gia nhập Hiệp hội năm 1997.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và ASEAN tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. ASEAN dành quyết tâm cao để thực hiện thành công Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đồng thời tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015; tiếp tục củng cố và giữ vững đoàn kết, phát huy tiếng nói thống nhất đối với các vấn đề quan trọng ở khu vực, thúc đẩy liên kết nội khối và mở rộng ra Đông Á; mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác, cũng như nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Tuy nhiên, ASEAN cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức ngày càng phức tạp, đặc biệt là làm sao bảo đảm được chất lượng và đúng lộ trình việc triển khai các mục tiêu xây dựng Cộng đồng; duy trì đoàn kết và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN, trong bối cảnh cạnh tranh các nước lớn gia tăng, đối với các vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như để thu hút sự quan tâm và tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực.
Với chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng,” hội nghị lần này sẽ tập trung bàn về tình hình triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tương lai của Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và định hướng tương lai, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm.
Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo nội dung quan trọng về xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Kết nối ASEAN. Thời gian qua, ASEAN tiếp tục nỗ lực triển khai các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng và đã đạt tỷ lệ đưa vào thực hiện khá cao. Tuy nhiên, chất lượng thực hiện các mục tiêu đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng chưa cao; trong khi các chỉ tiêu còn lại phải thực hiện từ nay đến tháng 12/2015 là các nội dung hội nhập cao và khó.
Trong bối cảnh hạn chế cả về nguồn lực và thời gian, cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội đều đã và đang xác định các lĩnh vực, biện pháp ưu tiên để triển khai trong năm 2014 và đến cuối 2015. Để chuẩn bị cho sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, ASEAN đang xây dựng kế hoạch kỷ niệm, bao gồm cả chiến lược truyền thông và danh mục các hoạt động trên cả ba trụ cột để tiến hành ở cấp quốc gia và khu vực.
Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN (ACCWG) về định hướng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 cũng đã bắt đầu bàn thảo và nhất trí cho rằng “Tầm nhìn ASEAN sau 2015” sẽ là sự kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời đề ra tầm nhìn dài hạn nhằm phát triển Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả ba trụ cột trong các thập kỷ tiếp theo, phát huy vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên các vấn đề toàn cầu. Theo kế hoạch, dự thảo “Tầm nhìn ASEAN sau 2015” sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực cũng là nội dung quan trọng của hội nghị. Khu vực Đông Á đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới; xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển đã, đang và sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo ở khu vực. Trong bối cảnh các khu vực trên thế giới vẫn đang trải qua những bất ổn thì khu vực Đông Á tiếp tục là khu vực phát triển nhất và là động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới. ASEAN đã và đang chủ động hợp tác với các đối tác tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, đa lĩnh vực thông qua các khuôn khổ hợp tác khu vực hiện có với ASEAN đóng vai trò trung tâm; đồng thời góp phần xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực, nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại hội nghị cấp cao lần này. Thời gian qua, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động gây phức tạp trên biển như công bố "Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam"; tổ chức tập trận tại Biển Đông… và hiện nay là đưa giàn khoan nước sâu HD-981 và các tàu hộ tống vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tái phán quốc gia của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như các cam kết và thỏa thuận khu vực trong đó có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố chung cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; gây ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, nước Chủ tịch Myanmar cũng dự kiến sẽ tổ chức phiên họp giữa lãnh đạo cấp cao ASEAN với đại diện Đại hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), thanh niên và xã hội dân sự, nhằm tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các tổ chức này, qua đó cùng tích cực đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tại hội nghị cấp cao lần này, dự kiến, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây là văn kiện mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác của ASEAN trong năm 2014. Theo thông lệ, Chủ tịch ASEAN sẽ ra tuyên bố về các kết quả của hội nghị.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 và các hội nghị liên quan với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm với mục tiêu cùng các nước thành viên củng cố đoàn kết và vai trò chủ đạo của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực, thúc đẩy thực hiện có chất lượng lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng phát triển của ASEAN sau 2015, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực; đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.
Sự tham gia của đoàn Việt Nam cũng nhằm thúc đẩy những vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN và có lợi cho Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước./.