ASEAN mong RCEP định hình tự do hóa thương mại, kinh tế tại châu Á

RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được thiết kế nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và sáu đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc.
ASEAN mong RCEP định hình tự do hóa thương mại, kinh tế tại châu Á ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Các Bộ trưởng Kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cam kết tăng cường hội nhập thương mại thông qua quan hệ đối tác thương mại khu vực.

Kết thúc hội nghị ngày 10/3 tại thủ đô Manila của Philippines, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nhất trí "sớm đạt tiến bộ đáng kể về thỏa thuận Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm chứng tỏ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong việc tạo ra một quan hệ đối tác khu vực, trong đó hội nhập các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand."

[RCEP thông qua những điều khoản về doanh nghiệp vừa và nhỏ]

Chủ trì phiên họp trên, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cho biết tinh thần lạc quan chung của hội nghị về RCEP sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng đầu tư nước ngoài và các liên minh thương mại năng động hơn.

Theo Bộ trưởng Ramon Lopez, RCEP được xem là sẽ định hình quá trình tự do hóa thương mại và kinh tế ở châu Á trong tương lai. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế gần đây có nhiều bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, RCEP tìm cách duy trì xung lực của thương mại như một cỗ máy tạo ra tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được thiết kế nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và sáu đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc.

RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người vì sẽ bao gồm cả sáu đối tác đối thoại của ASEAN, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn. RCEP hướng tới việc tối ưu hóa các quy định về nguồn gốc bằng cách sử dụng một cách tiếp cận đơn giản hóa về định nghĩa nguồn gốc sản phẩm.

RCEP tập trung dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo sự thông suốt và hài hòa của các quy định hải quan và làm cho các quy định này trở nên phù hợp hơn so với các thỏa thuận hiện nay.

Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) và đặt mục tiêu hoàn tất trước khi hết năm 2015. Tuy nhiên, hạn chót này đã bị bỏ lỡ và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tăng cường trong năm nay, hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong năm nay.

Bên cạnh RCEP, trong hội nghị vừa qua, các Bộ trưởng ASEAN cũng nhất trí ủng hộ Thỏa thuận của ASEAN về thương mại và dịch vụ nhằm tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực dịch vụ trong cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.