Theo phóng viên TTXVN Jakarta, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn ngày 26/6 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong việc chuyển đổi ASEAN sang một nền kinh tế tuần hoàn và chuẩn bị cho khu vực hướng tới một tương lai bền vững.
Ông Kao Kim Hourn nhấn mạnh các nỗ lực phục hồi và tái thiết hậu đại dịch COVID-19 đã tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Việc người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn đã dẫn đến sự gia tăng chất thải bao bì, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sắp xảy ra trong quản lý chất thải trên thế giới, với ước tính sẽ tăng 70% từ năm 2016 đến năm 2050.
Các MSME thường được coi là những thành phần hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tại ASEAN, MSME chiếm 85% việc làm và 44,8% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực. Các doanh nghiệp này cung cấp nguồn thu nhập và sinh kế chính cho một số lượng đáng kể cá nhân và hộ gia đình.
Thông qua quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương khác, MSME là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị, cho phép khách hàng tiếp cận nhiều loại sản phẩm và phục vụ cộng đồng địa phương.
Do cấu trúc tinh gọn và mô hình kinh doanh linh hoạt, các MSME có khả năng nắm bắt những bước phát triển mới, chẳng hạn như nền kinh tế tuần hoàn và công nghệ kỹ thuật số.
Trong 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSE), đã nhanh chóng áp dụng các công nghệ và phương pháp đổi mới để duy trì sự phù hợp và khả năng cạnh tranh.
Nhiều MSME đã nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh bằng cách tạo sự khác biệt cho các dịch vụ của họ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng có ý thức xã hội.
Ngoài ra, trong việc xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn, việc áp dụng công nghệ cũng đóng một vai trò quan trọng cho phép theo dõi và truy xuất nguồn gốc tốt hơn, đồng thời hỗ trợ các mô hình kinh doanh sáng tạo.
Những phát triển này dẫn đến việc giảm các yêu cầu về tài nguyên vật chất, giảm lượng khí thải liên quan đến đi lại và kích hoạt nền kinh tế chia sẻ thông qua các nền tảng kỹ thuật số.
Sự phát triển này là cách các MSME bắt đầu hành trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tổng Thư ký ASEAN cho rằng để xây dựng một môi trường thuận lợi cho các MSME phát triển mạnh trong nền kinh tế tuần hoàn, chính phủ các nước cần đưa ra một chiến lược dài hạn và thực hiện các hành động cân bằng nhằm tạo ra các động lực kinh tế mạnh mẽ.
Nỗ lực này cần được hỗ trợ bởi quản trị tốt và sự tham gia chặt chẽ của các bên liên quan, các nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như phát triển nguồn nhân lực.
[Thông điệp của Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân]
Về phần mình, ASEAN cam kết thúc đẩy tính tuần hoàn của các MSME trong toàn khu vực. Thông qua các nỗ lực hợp tác, các quốc gia thành viên ASEAN đang hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Một trong những cách tiếp cận chính là thúc đẩy sự hiểu biết của MSME và nâng cao kỹ năng của họ để nắm bắt các hoạt động kinh doanh tuần hoàn thông qua các sáng kiến và hoạt động khác nhau.
Một trong những sáng kiến quan trọng của ASEAN là Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thông qua vào năm 2021, tạo ra một lộ trình có cấu trúc cho một hệ sinh thái hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Khung kinh tế tuần hoàn của ASEAN được xây dựng dựa trên các sáng kiến hiện có và giới thiệu các hoạt động mới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang nền kinh tế tuần hoàn.
Một số cam kết của chính phủ và khu vực tư nhân cũng sẽ được triển khai trong năm nay, cung cấp một nền tảng để chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và đảm bảo sự phát triển bao trùm như một phần của quá trình hoạch định chính sách.
Vào tháng Năm vừa qua, ASEAN đã tổ chức Đối thoại chính sách về tăng cường thực hành xanh cho các MSME, bên cạnh Đối thoại AEC lần thứ 9 diễn ra trong tháng Sáu này, tập trung vào việc xây dựng Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon và Đối thoại chính sách về sự tham gia của các MSME trong nền kinh tế tuần hoàn đã được lên kế hoạch vào tháng Bảy tới.
Thông qua hợp tác công tư, ASEAN cũng đã phát triển nhiều công cụ để nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp.
Hướng dẫn ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho các SME của ASEAN cung cấp nguồn thông tin về lý do các SME nên quan tâm đến biến đổi khí hậu và chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các rủi ro khí hậu.
Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho rằng để nắm bắt cơ hội cạnh tranh toàn cầu, các MSME cần tận dụng những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng liên quan đến các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và xã hội, bằng cách tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp của mình trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và tạo ra các đề xuất bán hàng độc đáo.
Hơn nữa, các sản phẩm bền vững có thể mang lại hiệu quả về chi phí cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Sự đổi mới trong quá trình sản xuất các sản phẩm này cho phép giảm sử dụng tài nguyên, tăng độ bền và tuổi thọ của sản phẩm, giảm chất thải và bao bì đóng gói, cũng như cắt giảm chi phí bảo trì. Điều này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách tăng khả năng chi trả.
Ông cũng nhấn mạnh rằng điều cấp thiết là ASEAN - cả khu vực công lẫn khu vực tư - cần hợp tác chặt chẽ với nhau để hỗ trợ và nuôi dưỡng nhiều MSME hơn để nền kinh tế khu vực phát triển song song với các nỗ lực bảo vệ môi trường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi và giúp các MSME giải quyết các thách thức mà họ phải đối mặt, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ, từ đó giúp các doanh nghiệp này giải phóng toàn bộ tiềm năng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững./.