Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế hẹp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 (AEM Retreat 22) tại Chiang Mai (Thái Lan) đã bế mạc với sự đồng thuận về nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, thúc đẩy đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại hội nghị, các bộ trưởng và quan chức cấp cao kinh tế ASEAN đã tập trung thảo luận thúc đẩy thực hiện, kiểm tra thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, nhất là lộ trình xây dựng và củng cố AEC, tiếp tục thực hiện những việc còn chưa hoàn thành của lộ trình xây dựng AEC.
Các bộ trưởng rà soát và thộng báo rằng trong số 611 biện pháp đề ra trong lộ trình thì ASEAN đã thực hiện được 475 biện pháp, do đó, 106 biện pháp phải tập trung thực hiện trong năm 2016.
Các bộ trưởng thống nhất chỉ đạo các quan chức kinh tế ASEAN tập trung nội lực để thực hiện nốt phần việc còn lại của lộ trình xây dựng AEC.
Về việc thực hiện Tầm nhìn 2025, các bộ trưởng đề ra ưu tiên là các bộ, ngành tập trung xây dựng các kế hoạch hành động để các bộ trưởng kinh tế thông qua vào cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế vào tháng 8/2016 và triển khai thực hiện.
Các Bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất ưu tiên của Lào - nước Chủ tịch ASEAN năm 2016 - cho hợp tác kinh tế ASEAN năm 2016 và các năm sau, gồm các hành động chính sau: xây dựng Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN; xây dựng Tuyên bố chung về Khuôn khổ quản lý an toàn thực phẩm ASEAN; xây dựng Khuôn khổ ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cải thiện quy trình đăng ký kinh doanh và xây dựng công cụ tra cứu thuế ưu đãi trong ASEAN và các FTA ASEAN+1; xây dựng Tuyên bố Vientiane và lập giải thưởng ASEAN về phát triển du lịch bền vững; vi) Xây dựng Bộ hướng dẫn cho việc thành lập và hợp tác về các đặc khu kinh tế; lập Kế hoạch tổng thể về phát triển khu vực Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).
Các Bộ trưởng đánh giá đây là các hành động thực tiễn, hỗ trợ phát triển, giúp thu hẹp khoảng cách trong khu vực.
AEM Retreat 22 cũng tập trung thảo luận các biện pháp cần tập trung thúc đẩy đàm phán thành lập RCEP trong 2016 và thúc đẩy hoàn tất các cuộc thương lượng về các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với các đối tác của ASEAN.
Các bộ trưởng khẳng định quyết tâm thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán với đối tác về thiết lập RCEP trong 2016, tập trung vào một số lĩnh vực có tính chất khác biệt giữa ASEAN và các nước đối tác như: mua sắm của chính phủ, di chuyển doanh nhân giữa các nước đối tác, thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Để hỗ trợ ASEAN, đặc biệt là nước Chủ tịch Lào trong việc thúc đẩy đàm phán, Việt Nam sẽ xem xét tổ chức một phiên đàm phán chính thức, dự kiến vào tháng 8/2016.
Về tầm quan trọng của RCEP đối tương lại kinh tế ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh rằng RCEP thành lập sẽ tạo được một thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới chiếm 50% dân số thế giới (3,3 tỷ người), và hơn 30% GDP của thế giới cũng như 40% tổng giá trị thương mại thế giới.
Hiện AEC chiếm 625 triệu dân, thị trường có tổng GDP hơn 2.600 tỷ USD và là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và thứ ba châu Á. Cùng với AEC, việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế khu vực RCEP sẽ tạo ra thị trường rộng lớn và rất nhiều cơ hội không chỉ cho thương mại đầu tư mà cả về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và đối tác lớn nhất của ASEAN trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Australia.
Trong bối cảnh, một số nước ASEAN hiện nay rất quan tâm về TPP, AEM 22 cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về triển vọng của các nước khu vực tham gia TPP cũng như tác động của việc này đến AEC. Các bộ trưởng nhất tăng cường trao đổi giữa các nước ASEAN về những thỏa thuận trong hiệp định TPP để các nước ASEAN hiểu biết hơn về những thỏa thuận trong hiệp định này.
Cùng với việc sẽ hoàn tất đàm phán về RCEP, ASEAN cũng sẽ rút ngắn những khoảng cách tiêu chuẩn hiện có trong khối cũng như các tiêu chuẩn, chuẩn mực mà ASEAN sẽ thỏa thuận trong RCEP làm sao cho gần hơn với các chuẩn mực ASEAN đã và sẽ có và các chuẩn mực trong TPP và tiến tới khả năng thiết lập quan hệ đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Tại hội nghị lần này các bộ trưởng cũng trao đổi về hai sáng kiến do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Sunnylands vừa qua là sáng kiến về Kết nối ASEAN: thành lập ba trung tâm ở Jakarta, Singapore và Bangkok để kết nối thị trường ASEAN và thị trường Mỹ; và sáng kiến tổ chức các hội thảo về thúc đẩy thương mại ASEAN-Mỹ.
Cùng ngày, tại Hội nghị tham vấn giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom, hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác kinh tế nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai khu vực. Các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã bày tỏ mong muốn EU tiếp tục ủng hộ triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.
Đặc biệt, hai bên đã tái khẳng định cam kết hợp tác để tiến tới Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU, chỉ đạo các quan chức kinh tế cấp cao hai bên nỗ lực hợp tác và đưa ra các đề xuất trong hội tham vấn lần tới những bước đi hợp lý nhằm tiến tới Hiệp định Tư do thương mại ASEAN-EU.
Với vai trò nước điều phối quan hệ kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã báo cáo ASEAN và EU kết quả triển khai Chương trình làm việc về Thương mại và Đầu tư ASEAN-EU giai đoạn 2015-2016. Tới nay, hai bên đã triển khai hoạt động trong tất cả các lĩnh vực hợp tác đề ra. Trên cơ sở đó, quan hệ thương mại, đầu tư ASEAN-EU tiếp tục tiến triển mạnh mẽ.
Tổng giá trị thương mại hai chiều giữa ASEAN và EU năm 2015 đạt 219 tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN đạt 29,3 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN. EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.
Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư ASEAN-EU lên tầm cao mới, Việt Nam đã hỗ trợ hai bên tiếp tục thảo luận, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hướng tới đàm phán FTA giữa hai khu vực trong tương lai. Các Bộ trưởng ASEAN và Ủy viên Thương mại EU đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam và nhất trí đẩy mạnh quá trình tham vấn để xem xét, quyết định tại Hội nghị tham vấn tiếp theo./.