ASEAN thúc đẩy cải thiện điều kiện sống ở nông thôn

Các nước ASEAN nhất trí đưa ra hướng dẫn về cải thiện điều kiện sống nông thôn thông qua phong trào Mỗi làng một sản phẩm.

Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Bộ Hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia vừa tổ chức Hội thảo ASEAN về nông dân, nông nghiệp và nông thôn tại thành phố Yogyakarta, Indonesia.

Các quan chức và chuyên gia các nước thành viên ASEAN tham dự hội thảo đã thảo luận và nhất trí đưa ra “Hướng dẫn ASEAN về cải thiện điều kiện sống nông thôn thông qua phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP).”

Phong trào OVOP được khởi xướng tại quận Oita, Nhật Bản năm 1979 và đã trở thành một trong những chương trình kinh tế khu vực thành công do cách tiếp cận của nó trong việc chuyển đổi các sản phẩm tại chỗ thành các sản phẩm cạnh tranh ở địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Phong trào này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong việc cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn, năng động kinh tế làng xã, thu nhập địa phương và đoàn kết xã hội thông qua việc tạo ra các sản phẩm độc đáo và có giá trị gia tăng cao.

Sự thành công vượt trội của phong trào OVOP Oita đã thúc đẩy một số nước thành viên ASEAN áp dụng vào các mô hình riêng của mình dưới những tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như "Satu Kampung Satu Produk" ở Brunei và Malaysia; "Balik Desa" tại Indonesia và "One Tambon One Product" tại Thái Lan và Campuchia.

Các nước thành viên ASEAN, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, đã quyết định xây dựng hướng dẫn OVOP ASEAN cho các chính quyền địa phương và trung ương áp dụng và điều chỉnh phù hợp với các điều kiện kinh tế và xã hội, cơ cấu quản lý hành chính của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) phát triển.

"Cải thiện điều kiện sống nông thôn thông qua phong trào OVOP” là một trong những dự án hàng đầu của Nhóm đặc trách về doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN (SMEWG) trong Kế hoạch hành động Chiến lược của ASEAN về Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2010-2015. Dự án này được Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF) tài trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.