ASEAN tiến tới trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030

Giá trị giao dịch thương mại lớn nhất không phải là trao đổi thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc hay Mỹ mà là thương mại nội khối, đạt khoảng 800.000 tỷ USD.

Bốc dỡ container lên tàu trọng tải 200.000DWT tại cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bốc dỡ container lên tàu trọng tải 200.000DWT tại cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Satvinder Singh cho biết ASEAN đang tiến tới trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030 từ vị trí thứ 5 ở thời điểm hiện tại, với môi trường kinh tế vĩ mô tiến bộ và quan trọng. GDP đã tăng vọt 51% đạt 3.800 tỷ USD vào năm 2023 so với 2.500 tỷ USD vào năm 2015.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại hội nghị “Tầm nhìn 2045: Kỷ nguyên ASEAN” do Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và Nhóm tham vấn Boston đồng tổ chức ngày 6/8, ông Singh cho rằng nhận định trên càng được củng cố hơn nữa nhờ giao dịch thương mại khu vực tăng lên 3.500 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 2.300 tỷ USD vào năm 2015, giúp tăng đáng kể thu nhập bình quân đầu người.

Ông cho rằng điều này phản ánh cam kết bền bỉ của ASEAN trong việc trở thành một khu vực kinh tế mở cho thương mại và đầu tư toàn cầu, vốn đã được cải thiện đáng kể.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là ASEAN nằm trong số rất ít khu vực trên thế giới có giao dịch thương mại gần bằng GDP. Giá trị giao dịch thương mại lớn nhất không phải là trao đổi thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc hay Mỹ mà là thương mại nội khối, đạt khoảng 800.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ông lưu ý ASEAN đã “tăng tốc” để trở thành khu vực thương mại lớn nhất trên thế giới, cũng như đẩy mạnh giao dịch với khu vực khác trên thế giới.

Đây là sự độc đáo của các nền kinh tế trong khối ASEAN, không giống như Liên minh châu Âu hay Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

Đối với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các quốc gia đều giao thương với nhau chứ không phải với các khu vực khác trên thế giới. Ông Singh cho biết ở Nam bán cầu, ASEAN cũng là nơi tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với tổng giá trị khoảng 230 tỷ USD hiện nay.

Theo dự báo trong những năm tới, chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty có lượng khí thải carbon thấp và các hoạt động có giá trị cao nhiều khả năng sẽ nằm ở các nước ASEAN.

Một số ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể bao gồm chất bán dẫn, nông nghiệp, thiết bị dữ liệu cũng như khoáng sản và các ngành công nghiệp kim loại.

Bên cạnh đó, điểm hấp dẫn đối với ASEAN là chuyển đổi công nghệ và các công nghệ tiên tiến như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật sẽ tạo ra thêm 8.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng ASEAN nên nỗ lực giảm chi phí công nghệ và đảm bảo các nền kinh tế trong khu vực có thể tiếp cận các thiết bị và giải pháp công nghệ.

Trong khi đó, ông Singh bày tỏ lo ngại lực lượng lao động trẻ của khu vực dự kiến giảm trong khi lực lượng lao động lớn tuổi ước tính sẽ tăng nhẹ. Ông cho biết tự động hóa cũng sẽ ảnh hưởng đến các loại nghề nghiệp khác nhau trong số 10 nước thành viên.

Do đó, việc đào tạo lại kỹ năng cho lao động trẻ về công nghệ và đổi mới thông qua các trung tâm quản lý công nghệ, nền tảng giáo dục trực tuyến về khoa học, công nghệ và đổi mới và nâng cao kỹ năng cho người cao tuổi sẽ thúc đẩy năng suất và giúp các ngành công nghiệp chiến lược phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.