Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), chiều 12/9, ông David Wijeratne, Lãnh đạo Trung tâm thị trường tăng trưởng của Công ty PricewaterhouseCoopers (PWC) tại Singapore và bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PWC Việt Nam đã trao đổi với báo chí về nội dung liên quan đến cách ASEAN có thể vượt qua được giai đoạn tăng trưởng thụ động, triển khai các biện pháp chủ động hơn để tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng thể chế, phát triển con người cũng như năng lực công nghệ.
Ông David Wijeratne nhận định: "Chúng tôi nhận thấy khu vực tư nhân đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trên một số lĩnh vực tại ASEAN. Tuy nhiên, đứng trước sự năng động và những thách thức của ASEAN, cũng như những nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng tại đây, các doanh nghiệp sẽ cần triển khai những chiến lược sáng tạo để đạt được thành công."
Ông David Wijeratne cho rằng, từ khi thành lập, ASEAN không chỉ tăng gấp đôi thành viên mà còn thành công trong việc xử lý khủng hoảng tài chính năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.
[WEF ASEAN: Diễn đàn Tương lai kinh tế châu Á - Hợp tác là sức mạnh]
Cùng với hành trình tăng trưởng đầy ấn tượng này, các nước ASEAN còn cân bằng được tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giúp đưa hàng triệu người dân trong khu vực thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, sự tăng trưởng bền vững của ASEAN cũng gặp không ít thách thức như suy giảm kinh tế ngắn hạn, năng suất lao động còn thấp, dân số già hóa, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương cũng như khoảng cách khá lớn về mặt cơ sở hạ tầng và thể chế quốc gia.
Ông David Wijeratne chia sẻ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực ASEAN trong các vấn đề như: giải quyết tỷ lệ thất nghiệp, thách thức trong sản xuất, cung cấp dịch vụ phù hợp với thực tế. Đặc biệt, vấn đề năng suất lao động là thách thức số một đối với khu vực ASEAN.
Theo ông David Wijeratne, trong viễn cảnh hướng tới tương lai, ASEAN cần tìm ra những giải pháp mang tính tích cực và chủ động.
Ban Thư ký ASEAN cần tập trung giải quyết các khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thách thức xuất phát từ bên ngoài và quan hệ thương mại nội khối, những rào cản về kỹ thuật thương mại; hài hòa hóa các mối quan hệ để đảm bảo dòng chảy thương mại thông suốt, tạo ra sự trao đổi liên tục trong nội khối giữa các quốc gia trong từng giai đoạn; xem xét sự chuyển dịch trong thời kỳ quá độ dân số bởi nhiều quốc gia khu vực ASEAN đang có tốc độ già hóa dân số cao.
Các nước ASEAN cần tạo môi trường, hỗ trợ người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng để có mức lương tốt hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, cần thực hiện các giải pháp làm gia tăng sự tham gia của lao động nữ và đội ngũ lao động đã già hóa vào lực lượng lao động. Tạo ra việc làm nhiều hơn cho đội ngũ nhân lực trẻ cần đòi hỏi sự thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa khu vực công-tư, song song với việc trang bị kỹ năng tốt hơn cho lực lượng lao động trẻ để đi được chặng đường dài hơn trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông David Wijeratne cho rằng, kết nối cơ sở dữ liệu khách hàng qua điện thoại thông minh là nền tảng thuận lợi giúp các doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt hơn. Các doanh nghiệp trong cùng một ngành có thể thấy rõ ý nghĩa của sự hợp tác, hội tụ để đẩy mạnh phát triển.
"Làm thế nào để có được một chiến lược dựa trên nền tảng đối tác và liên minh để kết nối các doanh nghiệp đa lĩnh vực, góp phần làm tăng tính năng của các ngành, các quốc gia, đưa kết nối hàng hóa dịch vụ vươn xa hơn trong ASEAN là câu hỏi cần tìm được sự giải đáp thỏa đáng, bởi đây chính là giải pháp thực hiện những chiến lược mang tính đổi mới trong tương lai,” ông David Wijeratne nói.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam cho rằng, hiện các nước ASEAN đang có nhiều thách thức và Việt Nam không là ngoại lệ. Thách thức của các quốc gia ASEAN cũng như Việt Nam đó là mức độ già hóa của dân số và các vấn đề khác. Việt Nam có mức độ tăng trưởng GDP ấn tượng, tuy nhiên GDP trên đầu người và những hệ số khác của Việt Nam vẫn chưa được cao trong khu vực ASEAN. Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam lại đang già hóa dân số cho thấy đó là thách thức lớn với một lực lượng lao động.
Nền kinh tế số đang phát triển, do đó những lực lượng lao động cần phải được đào tạo có kỹ năng tốt hơn. Để có thể bắt kịp với tiến độ của kỷ nguyên kỹ thuật số, Việt Nam có thể tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực vì nhiều lao động chưa có kỹ năng đầy đủ. Trước đây Việt Nam dựa vào lực lượng lao động với chi phí thấp, hiện nay không còn là lợi thế nữa.
Nhằm nâng cao năng suất lao động, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ và đặc biệt là đào tạo nhân lực. Việt Nam muốn dịch chuyển lên bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị, cần xây dựng được những kỹ năng tốt, tập trung nâng cao vào kỹ năng, đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ giáo dục và công nghệ./.