ASEAN-Trung Quốc mở ra chương mới cho phát triển và thịnh vượng chung

ASEAN-Trung Quốc mở ra chương mới cho phát triển và thịnh vượng chung

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác vào tháng 7/1991, kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt từ dưới 8 tỷ USD lên trên 680 tỷ USD vào năm ngoái.
ASEAN-Trung Quốc mở ra chương mới cho phát triển và thịnh vượng chung ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. (Ảnh: AFP)

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ngày 19/7 đã kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác.

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác vào tháng 7/1991, kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt từ dưới 8 tỷ USD lên trên 680 tỷ USD vào năm ngoái.

Với nền tảng vững chắc như vậy, hai phía cam kết tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực để mở ra một chương mới trong sự phát triển và thịnh vượng chung.

Khu công nghiệp Rayong Thái-Trung ở tỉnh của Thái Lan là mô hình thu nhỏ và là trái ngọt của quan hệ hợp tác cùng thắng như vậy.

Được thành lập năm 2006 và là nơi quy tụ 160 công ty nước ngoài, khu công nghiệp này sử dụng 40.000 lao động địa phương, hầu hết là trong lĩnh vực ôtô, điện tử và máy móc.

Trong một năm rưỡi vừa qua, dù đại dịch COVID-19 bùng phát và các biện pháp hạn chế đi lại được thực hiện, Khu công nghiệp Rayong đã thu hút được 27 công ty Trung Quốc đến đầu tư.

[ASEAN-Trung Quốc: Khẳng định cam kết giải quyết các vấn đề cấp bách]

Theo một báo cáo của ngân hàng thương mại Siam của Thái Lan, với trên 650 triệu khách hàng và là trung tâm của chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp lớn, ASEAN đang trở thành một thị trường chiến lược quan trọng cho các công ty Trung Quốc.

Năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại các nước ASEAN tăng 52,1% so với năm 2019, ngược với xu hướng giảm sút trên toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư ASEAN tiếp tục nhận thấy triển vọng phục hồi lạc quan hậu đại dịch và hình mẫu phát triển "lưu thông kép" tại Trung Quốc, với đầu tư của khối tại Trung Quốc đại lục tăng 50,7% trong nửa đầu năm 2021, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Thương mại song phương cũng phát triển trong những năm qua, nhờ quan hệ hữu nghị giữa hai phía và Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA).

Nhờ CAFTA, nhiều hàng hóa từ các nước ASEAN, từ nông sản đến hàng hóa trung gian, đã vào thị trường Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc và ASEAN đã lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2021, với mức tăng 27,8% trong sáu tháng đầu năm, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.

Tháng 11 năm ngoái, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết giữa 15 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm gần 30% GDP, thương mại và dân số toàn cầu.

Theo Chủ tịch Ủy ban Cố vấn An ninh của Thủ tướng Thái Lan, Panitan Wattanayagorn, RCEP đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN và là động lực thúc đẩy thương mại, đầu tư không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.