ASEAN và các đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế hậu COVID-19

Các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực duy trì chuỗi nguồn cung và ổn định thị trường cũng như tăng cường sức phục hồi của kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch COVID-19.
ASEAN và các đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối khu vực Đông Á lần thứ 8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia đối tác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ 8 giữa các Bộ Trưởng kinh tế ASEAN và các đối tác ngoại khối ở khu vực Đông Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ), các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng và ổn định thị trường cũng như tăng cường sức phục hồi của kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch, đồng thời kêu gọi các sáng kiến giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế bền vững.

Cuộc họp này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, các bên cũng thảo luận việc tăng cường ứng dụng và tận dụng công nghệ số trong khu vực để thúc đẩy kinh tế số, nhấn mạnh rằng điều này đóng vai trò rất quan trọng trong đại dịch COVID-19.

Với quyết tâm hành động nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi nguồn cung khu vực, từ đó có thể thích ứng tốt hơn trước các cú sốc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư, giảm thiểu sự gián đoạn đối với thương mại và các chuỗi nguồn cung toàn cầu, tạo điều kiện cho việc kết nối chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với quá trình cải cách cần thiết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo môi trường thương mại tự do, công bằng, minh bạch và ổn định.

ASEAN và các đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế hậu COVID-19 ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ AEM-52, các bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tiến hành Hội nghị tham vấn trực tuyến với 3 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) lần thứ 23. Tại hội nghị, các bộ trưởng đã tái khẳng định cam kết phối hợp hành động trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Theo tuyên bố chung sau hội nghị, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục lòng tin của doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch. Hội nghị đã nhất trí tăng cường các nỗ lực phối hợp trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và xã hội tại khu vực, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020. 

Các bộ trưởng đã hoan nghênh các tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán RCEP và công tác chuẩn bị ký kết trong năm nay. Các bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc ký kết thỏa thuận trong việc tăng lòng tin và củng cố cấu trúc kinh tế khu vực.

Tại hội nghị, các bộ trưởng đã bày tỏ quyết tâm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính thông qua duy trì thị trưởng cởi mở với thương mại và đầu tư, đảm bảo kết nối chuỗi nguồn cung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương và đi lại cần thiết của người dân qua biên giới.

Để đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, các bộ trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc khai thác các cơ hội của kinh tế số thông qua việc tạo điều kiện trao đổi thông tin và dữ liệu qua biên giới theo phương pháp điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.