Tập đoàn AstraZeneca vừa công bố khoản đầu tư mới lên đến 50 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) vào Việt Nam để phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam theo Chương trình AZ Forest.
Buổi lễ công bố đầu tư của Tập đoàn AstraZeneca đã diễn ra ngày 5/5 tại thủ đô London, Vương quốc Anh với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh Nguyễn Hoàng Long cùng các lãnh đạo toàn cầu và khu vực của tập đoàn AstraZeneca.
Trong năm năm tới, dự kiến 22,5 triệu cây xanh sẽ được trồng trên hơn 30.500 ha đất để phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học và bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho hơn 17.000 hộ nông dân.
[Chỉ thị số 03: Góp sức trồng 1 tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh]
Việc tái trồng rừng sẽ được thiết kế nhằm tối đa hóa các lợi ích của đa dạng sinh học trên quy mô lớn; cải thiện thực phẩm và dinh dưỡng cho cộng đồng địa phương; bảo tồn đất và nước; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro của thiên tai; cô lập khí carbon.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng khoản đầu tư được AstraZeneca công bố hôm nay sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 về phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam. Chương trình AZ Forest cũng sẽ đóng góp vào Đề án trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025 trong khuôn khổ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và xuyên suốt của tập đoàn AstraZeneca, không chỉ nhằm góp phần cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển bền vững.
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường mới nổi khu vực Châu Á cho biết: “Chương trình là sự nối tiếp nội dung trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc tập đoàn AstraZeneca ông Pascal Soriot tại Hà Nội vào tháng 5 năm ngoái. Chúng tôi rất vui mừng được công bố chương trình này và một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của AstraZeneca đối với Việt Nam.”
“Chúng tôi nhận thấy rằng sức khỏe của con người có mối liên hệ sâu sắc với sức khỏe của trái đất, và tin rằng chương trình này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả nền kinh tế, cộng đồng địa phương và môi trường trong 30 năm tới,” ông Nitin Kapoor nói.
Khoản đầu tư 50 triệu USD nói sẽ được sử dụng cho nông lâm kết hợp, bao gồm sản xuất gỗ, quả và hạt, tinh dầu và nhựa cây một cách bền vững; tăng năng suất nông nghiệp thông qua xen canh; và phát triển chuỗi giá trị thị trường một cách bền vững. Khoản đầu tư mới này tiếp nối khoản đầu tư 310 triệu USD của AstraZeneca vào Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tăng cường hệ thống y tế, nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu dược phẩm sinh học trong nước, đồng thời phát triển nhân tài.
Khoản đầu tư năm trong khuôn khổ chương trình toàn cầu mang tên AZ Forest. Tính đến cuối năm 2022, chương trình này đã trồng được hơn 10,5 triệu cây xanh trên toàn thế giới. Chương trình AZ Forest hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Chính Phủ Việt Nam./.
Chương trình AZ Forest là cam kết của AstraZeneca trong việc trồng và duy trì hơn 50 triệu cây xanh đến cuối năm 2050 thông qua hợp tác với các chuyên gia và cộng đồng địa phương. Các dự án của chương trình AZ Forest mang lại lợi ích cho sức khỏe của hành tinh và con người, với các đồng lợi ích về kinh tế xã hội và bổ trợ cho “Tham vọng không carbon”. Qua chiến lược "Tham vọng không carbon," AstraZeneca sẽ theo đuổi các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học để giảm phát thải carbon, đẩy nhanh quá trình đạt được phát thải ròng bằng 0, đồng thời giúp quản lý các cơ hội và rủi ro gây ra bởi biến đổi khí hậu. |