Chương trình "ATM việc làm” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận triển khai nhằm giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tìm được việc làm phù hợp; đồng thời, giúp các doanh nghiệp tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ninh Thuận có hàng nghìn công dân làm việc trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến công việc của người lao động bị ảnh hưởng, mất nguồn thu nhập, nhiều người đã trở về quê.
Thấu hiểu nỗi khó khăn này, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai chương trình “ATM việc làm."
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận, cho biết với mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh chung tay san sẻ khó khăn và hỗ trợ người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về Ninh Thuận cũng như người lao động trên địa bàn gặp khó khăn do giãn cách xã hội sớm có việc làm, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức chương trình "ATM việc làm" miễn phí để kết nối, giới thiệu những người lao động cần hỗ trợ việc làm với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh.
Để tạo thuận lợi cho việc kết nối việc làm, văn phòng “ATM việc làm” được thành lập ngay tại trụ sở Hội Doanh nhân trẻ tỉnh (số 34, đường 16/4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), người lao động có thể trực tiếp đến liên hệ tại văn phòng hoặc ứng tuyển vị trí việc làm qua fanpage mạng xã hội của Hội.
Định kỳ hàng tuần, tại trụ sở Hội tổ chức các buổi gặp gỡ theo nhóm ngành nghề giữa doanh nghiệp và người lao động để trao đổi, thống nhất ký kết các hợp đồng lao động.
[Thị trường lao động khu vực phía Nam trước ảnh hưởng của dịch COVID-19]
Tham gia chương trình “ATM việc làm," chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) chia sẻ trước đây, chị là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chị đã quyết định về quê. Được sự giới thiệu và tìm hiểu mô hình “ATM việc làm," chị Xuyến đã nộp hồ sơ và phỏng vấn vị trí việc làm, mức lương với đại diện đơn vị trường học tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Theo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận, bắt đầu tổ chức từ ngày 31/8 đến nay, chương trình “ATM việc làm” đã tiếp nhận thông tin của trên 1.200 người đăng ký tìm việc ở các vị trí khác nhau; thu hút 18 doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đăng ký tuyển dụng trên 100 lao động làm việc ở các ngành, nghề gồm: giáo viên, kế toán, vận tải, xây dựng, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ chăm sóc khách hàng và một số ngành nghề khác.
Qua hai đợt tổ chức, 30 lao động đã kết nối công việc thành công với các nhà tuyển dụng.
Để lan tỏa chương trình, thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu sử dụng lao động nhiều tham gia chương trình “ATM việc làm” để kết nối với người lao động có nhu cầu tìm việc phù hợp; cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo nghề, ngày hội việc làm.
Đồng thời, Hội tập trung phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin thị trường lao động để làm cơ sở thành lập sàn giao dịch việc làm tại địa phương.
Sau khi cơ bản kiểm soát được các ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng, tỉnh Ninh Thuận đã cho nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 14/8 để từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất và ổn định đời sống của người dân.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, tính đến tối 13/9, Ninh Thuận ghi nhận 748 bệnh nhân mắc COVID-19, có 8 bệnh nhân tử vong do có bệnh lý nền và tuổi cao.
Nhờ cách ly, tích cực điều trị, 698 bệnh nhân đã khỏi bệnh, được chuyển về nhà cách ly 14 ngày theo quy định, hiện 42 ca đang điều trị./.