Australia đánh giá triển vọng đầu tư kinh doanh ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Các cảng biển, một sân bay mới đang được xây dựng và các cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG không ngừng được nâng cấp đã giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến có tính cạnh tranh cho đầu tư từ Australia.
Australia đánh giá triển vọng đầu tư kinh doanh ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Đường Quang Trung khu vực Bãi Trước thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu, một địa phương phát triển nhanh ở Việt Nam, đang nổi lên như một trung tâm đầu tư nước ngoài và một địa điểm lý tưởng cho sự đa dạng hóa kinh tế của Australia cũng như tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Đánh giá trên được nêu trong báo cáo mới đây của Trung tâm USAsia có trụ sở tại Perth, thủ phủ bang Tây Australia, khi Canberra đang điều chỉnh lại các mối quan hệ kinh tế của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặt trọng tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư với các nước ở Đông Nam Á.

Báo cáo cho biết Bà Rịa-Vũng Tàu là đầu mối lý tưởng cho các nỗ lực nâng cấp quan hệ kinh tế Australia-Việt Nam. Các cảng biển, một sân bay mới đang được xây dựng và các cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không ngừng được nâng cấp trong tỉnh và các địa phương xung quanh tỉnh đã giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến có tính cạnh tranh cho đầu tư từ Australia.

Tác giả của báo cáo, nhà nghiên cứu chính sách Kyle Springer, cho rằng Australia khó có thể tìm được một địa điểm nào khác ở Đông Nam Á hấp dẫn hơn thế.

Điểm mạnh của tỉnh này bao gồm sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp Australia, cơ sở hạ tầng phát triển, các thuận lợi về mặt địa lý cũng như các khuôn khổ ngoại giao và kinh tế giữa hai quốc gia.

[Truyền thông Australia: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn giới đầu tư]

Nhận thấy tiềm năng của quan hệ đối tác kinh doanh tại Việt Nam, tháng 9/2020, chính quyền bang Tây Australia đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm phát triển thương mại và xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa chính quyền và doanh nghiệp tại hai địa phương.

Chuyên gia Springer đánh giá quyết định ký kết MoU trên là một lựa chọn chiến lược của bang này, giúp mở ra một loạt các cơ hội kinh tế không chỉ cho địa phương này mà cho cả Australia.

Ông Springer lưu ý Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có nhiều các doanh nghiệp Australia đang hoạt động. Các doanh nghiệp này hiểu rõ tình hình của tỉnh và là nguồn lực hiện còn chưa được khai thác cho các doanh nghiệp Australia khác đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang Việt Nam.

Ông khuyến nghị để tận dụng trụ cột hợp tác kinh tế của MoU, Australia cần xây dựng một lộ trình khai thác nguồn lực này để cung cấp các thông tin rõ ràng về môi trường kinh tế của tỉnh, làm cơ sở cho việc mở ra các kết nối kinh doanh sâu rộng hơn với Việt Nam.

Trong những năm gần đây, giá trị thương mại của Việt Nam với Australia không ngừng gia tăng vững chắc, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại giữa Australia và ASEAN vào năm 2020.

Với các khuôn khổ kinh tế mạnh mẽ như Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình dương (CPTPP), theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.