Australia kích hoạt cơ chế khẩn cấp vể nguồn cung khí đốt

Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Australia hôm 19/7 đã kích hoạt cơ chế đảm bảo cung cấp khí đốt khẩn cấp lần thứ hai trong lịch sử để giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt ở bang Victoria.
Australia kích hoạt cơ chế khẩn cấp vể nguồn cung khí đốt ảnh 1 Các hộ gia đình vùng Đông Nam Australia có nguy cơ bị thiếu khí đốt trong mùa Đông khi than đá bị loại bỏ dần. (Nguồn: AAP)

Trong một thông báo, AEMO cho biết đã kích hoạt cơ chế trên nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ các nhà sản xuất khí đốt có trụ sở tại bang Queensland để hỗ trợ sản xuất điện bằng khí đốt trên thị trường điện của quốc gia trong bối cảnh nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới

Thông báo nhấn mạnh AEMO sẽ tiếp tục làm việc với các bên để tìm hiểu về khả năng cung cấp khí đốt do các thách thức về nguồn phát điện xuất hiện từ đầu tháng Sáu vừa qua vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường điện quốc gia. Điều này gây ra sự phụ thuộc lớn hơn vào nguồn điện sản xuất bằng khí đốt và khiến mức dự trữ tại cơ sở lưu trữ khí đốt Iona ở bang Victoria sụt giảm xuống mức kỷ lục.

AEMO sẽ áp dụng cơ chế trên để bảo đảm an ninh hệ thống cho đến cuối tháng 9/2022.

[Australia đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt vào năm 2023]

Đây là lần thứ hai AEMO phải kích hoạt cơ chế này kể từ khi ban hành vào năm 2017, chỉ vài tuần sau khi cơ quan này tạm thời đình chỉ thị trường điện quốc gia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lan rộng.

Tình trạng thiếu hụt khí đốt ở bang Victoria xảy ra do nhu cầu khí đốt vào mùa Đông thường cao gấp ba lần so với mùa Hè. Thêm vào đó, thời tiết giá lạnh trong năm nay cùng với việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến sản lượng khí đốt nội địa ở Australia.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã làm giảm nguồn cung toàn cầu, khiến khủng hoảng năng lượng càng trở nên trầm trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.