Australia-Peru ký thỏa thuận thương mại tự do sau 9 tháng đàm phán

Bộ trưởng Thương mại Australia nhận định PAFTA là một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất của Autralia, giúp "tạo việc làm mới cho người dân Australia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."
Australia-Peru ký thỏa thuận thương mại tự do sau 9 tháng đàm phán ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo. (Nguồn: smh.com.au)

Ngày 12/2, Chính phủ hai nước Australia và Peru đã ký Thỏa thuận Thương mại tự do Peru-Australia (PAFTA), kết thúc tiến trình đàm phán song phương kéo dài 9 tháng qua.

Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhận định PAFTA là một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất của Autralia, giúp "tạo việc làm mới cho người dân Australia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."

Theo thỏa thuận, Peru sẽ dỡ bỏ thuế áp đặt với 99% số sản phẩm nhập khẩu từ Australia trong 5 năm tới. Australia sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp đường lớn nhất của Peru, xuất khẩu 90.000 tấn đường cho Peru trong vòng 18 năm, tương đương 30% tổng lượng đường nhập khẩu của Peru. Ngoài ra, PAFTA cũng giúp tăng xuất khẩu sang Peru các sản phẩm của Australia như thịt bò, sữa, dược phẩm, rau củ quả, thịt kangaroo, lúa mỳ. Ông Ciobo cho rằng việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp nông dân Australia, vốn đang không được tiếp cận thị trường Peru, tăng cường xuất khẩu.

[Các nước tìm cách cứu vãn TPP sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định]

Bộ trưởng Ciobo cho biết Peru là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,9% trong vòng 1 thập kỷ qua. Thỏa thuận thương mại tự do sẽ trao cho các doanh nghiệp Australia cơ hội đóng góp vào tốc độ tăng trưởng này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Australia và Peru đạt 461 triệu USD trong năm 2016, tăng 51,2% so với năm trước đó.

Ngoài ra, ông Ciobo cũng cho rằng thỏa thuận thương mại tự do với Peru sẽ tạo ra những cơ hội mới cho những nhà cung cấp giáo dục của Australia. Theo đó, Peru sẽ công nhận bằng cấp của Australia, hỗ trợ các trường đại học của Australia thu hút thêm nhiều sinh viên Peru./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.