Australia thông báo EU tiếp tục hoãn đàm phán hiệp định thương mại

EU lần thứ hai hoãn đàm phán thương mại với Australia trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang trở nên căng thẳng sau khi Canberra quyết định hủy bỏ hợp đồng mua bán tàu ngầm với Pháp.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan. (Ảnh: ABC/TTXVN)
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan. (Ảnh: ABC/TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ngày 22/10 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã lần thứ 2 hoãn vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang trở nên căng thẳng sau khi Canberra quyết định hủy bỏ hợp đồng mua bán tàu ngầm với Pháp.

Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan, đây là lần thứ 2 trong tháng này, vòng đàm phán thương mại thứ 12 với EU bị hoãn lại.

EU đề xuất hai bên sẽ tiến hành đàm phán vào tháng 2/2022. Hiện, EU chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Tháng Chín vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã quyết định thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS), dẫn tới việc Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá hàng tỷ USD.

Thay vào đó, nước này sẽ mua ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.

["Tranh cãi Pháp-Mỹ về AUKUS sẽ không gây rạn nứt trong NATO"]

Pháp đã phản ứng khá gay gắt, gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng” và triệu hồi đại sứ của mình tại Washington và Canberra về nước.

Để thể hiện tình đoàn kết với Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đặt ra nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Australia.

Trong những tuần gần đây, Australia đã tìm cách hàn gắn quan hệ với EU và Pháp, bổ nhiệm một trợ lý cấp cao của Thủ tướng Scott Morrison làm đặc phái viên tại EU.

Trong tuần này, Pháp cũng đã cử lại đại sứ tại Australia, đồng thời cho biết sẽ đánh giá cam kết của Canberra về việc hàn gắn quan hệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.