Chính phủ Ba Lan khiếu kiện lên Tòa án châu Âu về quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận loại bỏ quy định hạn chế 50% công suất đường ống dẫn khí đốt OPAL từ Gói năng lượng thứ ba với tập đoàn Gazprom của Nga, qua đó giúp nhà cung cấp khí đốt hàng đầu này tăng lượng khí đốt bơm vào châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Yoanna Vaida ngày 18/12 cho biết trong đơn kiện gửi lên Tòa án châu Âu, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã yêu cầu tạm ngừng thực hiện quyết định này.
Bộ Ngoại giao Ba Lan nhấn mạnh quyết định của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, theo đánh giá của Chính phủ Ba Lan, quyết định này sẽ dẫn đến việc tập trung cung ứng khí đốt vào một hướng, điều rõ ràng đi ngược lại quy định đa dạng hóa các nguồn năng lượng cũng như kéo theo nguy cơ ngừng cung cấp khí đốt vào châu Âu.
Ba Lan cho rằng tình hình này đe dọa an ninh khí đốt tại Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt tại Trung Âu. Sự phụ thuộc vào một nguồn cung cấp khí đốt từ Nga dẫn tới xuất hiện nguy cơ đối với an ninh khí đốt tại Ba Lan.
Trong đơn kiện, Bộ Ngoại giao Ba Lan chỉ rõ quyết định của EC vi phạm các quy định của châu Âu đối với thị trường khí đốt chung cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới tính cạnh tranh, do củng cố vị thế của Gazprom.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng cáo buộc EC vi phạm các quy định về an ninh năng lượng và tinh thần đoàn kết.
Ủy ban châu Âu ngày 28/10 vừa qua chấp thuận loại bỏ mức hạn chế 50% công suất đường ống dẫn khí đốt OPAL từ Gói năng lượng thứ ba, qua đó giúp Gazprom tăng lượng khí đốt bơm vào châu Âu.
Trước đó Gazprom chỉ có quyền sử dụng 50% công suất của mình. Quy định này được Ủy ban châu Âu đưa ra năm 2009.
Quyết định mới đã giúp Gazprom có thể tìm kiếm thêm hạn ngạch khí đốt đối với 40% công suất đường ống trên.
Đường ống dẫn khí đốt OPAL có công suất 36 tỷ m3 dẫn vào thị trường Trung và Đông Âu không qua Ukraine.
OPAL nằm trên lãnh thổ Đức và nối đường ống "Dòng chảy Phương Bắc" với hệ thống dẫn khí đốt của Trung và Đông Âu.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt hoàn thành năm 2011./.