Ba Lan muốn xuất khẩu nông sản, thực phẩm trực tiếp vào thị trường Việt Nam

Không ít sản phẩm của Ba Lan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải qua các kênh trung gian nên Ba Lan mong muốn thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa hai nước để khơi thông kênh nhập khẩu trực tiếp.

Táo Ba Lan. (Nguồn: frutline)
Táo Ba Lan. (Nguồn: frutline)

Ngày 8/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, Văn phòng đại diện Cơ quan đầu tư và thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan (SRW RP), Liên minh quốc gia nhóm những nhà sản xuất rau và quả, cùng một số đơn vị khác, tổ chức chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” là chương trình thường niên nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Ba Lan hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) tìm kiếm đối tác mới, phát triển thị trường quốc tế.

Chương trình cũng là một phần trong nỗ lực xúc tiến thương mại lâu dài, giới thiệu đa dạng sản phẩm thực phẩm châu Âu đến Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy giá trị thực phẩm và lợi ích dinh dưỡng của sản phẩm đến từ châu Âu.

Cụ thể, chương trình năm nay hướng đến mục tiêu quảng bá thịt bò và thịt lợn (tươi sống, ướp lạnh và đông lạnh); táo và các sản phẩm từ táo…; đồng thời, hoạt động của chương trình nhắm đến người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà nhập khẩu tại Việt Nam để mang đến thị trường nội địa những sản phẩm chất lượng cao với giá cả phù hợp.

Ông Tomasz Parzybut, Giám đốc điều hành Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan, cho biết cùng với Liên minh quốc gia nhóm những nhà sản xuất rau và quả, Hiệp hội đã đồng tổ chức chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” kéo dài qua các năm.

Tính đến nay, Hiệp hội có hơn 130 nhà sản xuất và chế biến thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm hoạt động ở Ba Lan và luôn tham gia tích cực những hoạt động tiếp thị sản phẩm ra thị trường nước ngoài tiềm năng.

Người dân Việt Nam ngày càng có thu nhập tăng cao và quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nên ưu tiên mua sắm, tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, cũng như hàng ngoại nhập.

Đây là cơ hội cho sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam; trong đó doanh nghiệp Ba Lan kỳ vọng nắm bắt được cơ hội này và khai thác những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm thực phẩm vào Việt Nam.

Còn theo bà Bozena Wroblewska, Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, hiện tại, nhiều sản phẩm Ba Lan đã có mặt tại Việt Nam, nhưng Ba Lan mong muốn mang đến thị trường Việt Nam đa dạng sản phẩm hơn và chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” là một trong những hoạt động trọng tâm.

Sản phẩm thực phẩm của Ba Lan, EU và châu Âu nói chung luôn đảm bảo tuân thủ chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn sản xuất cao.

Điển hình, Ba Lan là một trong những nhà cung cấp trái cây hàng đầu EU, đang đóng vai trò quan trọng ở nhiều thị trường bên ngoài châu Âu nhờ đảm bảo yếu tố chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả cạnh tranh....

Bên cạnh đó, mạng lưới trang trại sản xuất trái cây và rau quả ở châu Âu do những nông dân trẻ quản lý đang sử dụng đa dạng công nghệ hiện đại và trang thiết bị chuyên dụng nên chất lượng sản xuất ngày càng được nâng cao.

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan đầu tư và thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do nên môi trường đầu tư, thương mại ngày càng hội nhập kinh tế toàn cầu, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU đang thúc đẩy giá trị giao thương của hai bên nói chung và nhiều quốc gia trong EU nói riêng.

Việt Nam và Ba Lan cũng là đối tác quan trọng của nhau, riêng giá trị xuất nhập khẩu ở lĩnh vực thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, không ít sản phẩm thực phẩm của Ba Lan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải qua các kênh trung gian, nên Ba Lan mong muốn thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước để khơi thông kênh nhập khẩu trực tiếp và chương trình quảng bá “châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” là một trong những chương trình nổi bật.

Cùng với chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng,” các đơn vị xúc tiến của Ba Lan còn tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống và Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 (Vietfood & Beverage-Propack Vietnam 2024) diễn ra từ ngày 8-10/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại triển lãm, khu vực gian hàng quốc gia của Ba Lan trưng bày, giới thiệu phong phú sản phẩm thực phẩm đặc trưng có nguồn gốc xuất xứ từ Ba Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.