Ba Lan phản đối EU áp thuế chung đối với các công ty năng lượng

Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Ba Lan cho rằng hệ thống năng lượng của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác nhau và việc áp dụng 1 mức thuế chung cho tất cả là không phù hợp.
Ba Lan phản đối EU áp thuế chung đối với các công ty năng lượng ảnh 1Ba Lan phản đối áp dụng chung mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận tăng thêm mà các công ty năng lượng thu được. (Nguồn: Warsaw Institute)

Ngày 15/9, Ba Lan đã phản đối biện pháp do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất về việc áp dụng chung mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận tăng thêm mà các công ty năng lượng thu được.

Giới chức EU đã đưa ra biện pháp trên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động nghiêm trọng đến khu vực này.

Chia sẻ trên Đài phát thanh Zet, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Anna Moskwa cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc áp dụng biện pháp giới hạn mức trần doanh thu này ở cấp quốc gia thay vì cấp EU, do cho rằng hệ thống năng lượng của các quốc gia thành viên trong khối khác nhau và việc áp dụng 1 mức thuế chung cho tất cả là không phù hợp.

[Châu Âu nhất trí về 4 giải pháp cấp bách về giá năng lượng]

Bộ trưởng Moskwa cho biết Ba Lan đã đề xuất EU tiến hành biểu quyết về vấn đề này, do mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận khác nhau và nhiều nước không nhất trí với biện pháp áp thuế của EU.

Trước đó 1 ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ đề xuất áp dụng mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận tăng thêm mà các doanh nghiệp sản xuất điện từ các nguồn chi phí thấp thu được và buộc các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chia sẻ lợi nhuận có được nhờ giá năng lượng tăng cao.

EU dự kiến thu được 140 tỷ euro từ biện pháp áp mức trần lợi nhuận của các công ty năng lượng. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng leo thang liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Giá điện tại châu Âu liên quan chặt chẽ với giá khí đốt, đồng nghĩa các công ty điện không sử dụng khí đốt đang được hưởng lợi lớn nhờ giá điện tăng trong khi chi phí đầu vào không tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.