Ba Lan phạt Tập đoàn Gazprom liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Gazprom của Nga bị phạt 7,6 tỷ USD vì đã xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, mà không được sự chấp thuận của cơ quan UOKiK.
Ba Lan phạt Tập đoàn Gazprom liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Công trình xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 qua biển Baltic ở Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Ba Lan UOKiK ngày 7/10 thông báo đã phạt Tập đoàn Gazprom của Nga hơn 29 tỷ zloty (7,6 tỷ USD) vì đã xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, mà không được sự chấp thuận của cơ quan này.

Bên cạnh đó, UOKiK cũng áp đặt mức phạt 234 triệu zloty (61 triệu USD) đối với năm công ty, trong đó có Tập đoàn Shell liên doanh giữa Anh và Hà Lan, liên quan tới việc góp vốn, đầu tư cho dự án được cho là sẽ làm tăng gấp đôi khả năng xuất khẩu khí đốt của Nga qua Biển Baltic.

Người đứng đầu UOKiK Tomasz Chrostny cho rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đe dọa đến việc duy trì cung cấp khí đốt tự nhiên đến Ba Lan. Việc này cũng có thể khiến giá khí đốt gia tăng, làm người tiêu dùng Ba Lan phải gánh chịu.

Ngay sau đó, một quan chức của Gazprom đã lên tiếng phản đối, đồng thời cho biết tập đoàn này sẽ kháng cáo quyết định trên của UOKiK.

Dự án Dòng chảy phương Bắc, do Gazprom làm chủ đầu tư, với 50% số vốn được các tập đoàn và công ty năng lượng của châu Âu tài trợ, trong đó có Uniper và Wintershall của Đức, Shell và OMV và Engie của Áo.

Ba Lan coi Dòng chảy phương Bắc 2 là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu do nó sẽ làm tăng sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án này.

Việc xây dựng tuyến đường ống dài 1.230km này đã gần hoàn thành, hiện còn giai đoạn cuối dài khoảng 120km trên lãnh hải Đan Mạch.

Dự án trên đã bị ngưng trệ vào tháng 12/2019 do công ty đặt đường ống Allseas, liên doanh giữa Thụy Sĩ và Hà Lan ngừng hoạt động do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty cung cấp tàu, thuyền để thực hiện dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.