Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics

Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%.
Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics ảnh 1Siêu tàu container M/V OOCL SPAIN tại cảng Gemalink (cụm cảng Cái Mép -Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định 1452/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%.

Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.

[Phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ: Quy mô lớn, nhiều "điểm nghẽn"]

Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 thành “đô thị cảng trong tương lai.”

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%; tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt bình quân 100 triệu tấn/năm; tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu.

Điều này nhằm nâng cao hiệu quả kết quả kết nối giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực tam giác phát triển.

Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics ảnh 2Hạ tầng kho bãi ngành công nghiệp logistics Việt Nam có những bước thay đổi nhanh trong thời gian qua. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước; ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics. Từ đó, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện kế hoạch này, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động.

Hàng năm, có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động cảng biển cần hiện đại hoá cơ sở hạ tầng (bến cảng, kho bãi, phương tiện bốc dỡ...), đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực cảng biển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 69 bến cảng được quy hoạch, đến nay đã đưa vào khai thác 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm.

Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng; trong đó, 19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác; với công suất 117,8 triệu tấn/năm; trong đó, bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.

Dịch vụ hậu cần cảng cũng chuyển biến tích cực, hiện có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 224ha, có 10 dự án đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 42ha. Doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt kết quả ấn tượng với 69.776 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh đạt 108 triệu tấn, tăng bình quân 36,6%.

Tổng doanh thu dịch vụ cảng của tỉnh giai đoạn 2017-2020 đạt khoảng 15.605 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm.

Các hoạt động liên quan đến cảng biển đóng góp cho ngân sách nhà nước giai đoạn này khoảng 73.800 tỷ đồng từ thu thuế xuất nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.