Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển

Theo quy hoạch, Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cầu cảng biển nước sâu dài gần 20km nên tỉnh đã và đang thực hiện cơ cấu ngành công nghiệp gắn với các lợi thế về cảng biển.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển ảnh 1Một góc cảng biển Cái Mép-Thị Vải. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Theo quy hoạch, Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cầu cảng biển nước sâu dài gần 20km, được xếp loại đặc biệt quốc gia, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của Đông Nam bộ và khu vực phía Nam.

Với lợi thế này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang thực hiện cơ cấu ngành công nghiệp gắn với các lợi thế về cảng biển.

Thế mạnh công nghiệp cảng biển

Cảng biển, dịch vụ cảng phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, từng bước trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ một vài cảng chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, hiện trên địa bàn tỉnh có 57 bến cảng được quy hoạch; trong đó đã đưa vào khai thác được 50 bến cảng với tổng công suất thiết kế khoảng 152 triệu tấn/năm.

Tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, hiện có 24 dự án đi vào hoạt động và là khu bến duy nhất làm hàng container với 8 dự án cảng container đi vào hoạt động, công suất thiết kế đạt 8,4 triệu TEU/năm. Đây là cụm cảng duy nhất Việt Nam và là một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận được tàu container có tải trọng trên 200.000DWT; năng lực thiết kế theo quy hoạch có thể thông qua khoảng 220 triệu tấn/năm.

Hiệu suất khai thác hàng tàu biển tăng từ 40% năm 2015 lên 50% năm 2021; số lượng tàu container đi thẳng Bắc Mỹ và châu Âu từ 9 chuyến/tuần năm 2015 tăng lên 24 chuyến/tuần năm 2020.

Theo ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực không chỉ có giá thuê cạnh tranh và cơ sở hạ tầng phù hợp với ngành công nghiệp từ trung bình đến nặng mà còn có khả năng tiếp cận với một cụm cảng biển đang phát triển.

Cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải là giải pháp thay thế tuyệt vời cho hệ thống cảng đông đúc của Thành phố Hồ Chí Minh. Với chiều dài 20km và đã đón hơn 2 triệu TEU vào năm 2020, cảng Cái Mép đang nhận sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và sẽ trở thành trung tâm vận tải biển quan trọng vào năm 2045.

[Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp: Còn nhiều dư địa]

Cùng với phát triển cảng biển, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, khang trang. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh đến năm 2020 cơ bản đã hoàn thành bộ khung kết cấu chung với 4.624km; trong đó 2.662km đường được nhựa hóa.

Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các tuyến tỉnh lộ kết hợp cùng với quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen và trải đều, tạo điều kiện phát triển khu công nghiệp, du lịch, đô thị, nông thôn. Hệ thống cảng thủy nội địa cũng được đầu tư và phát triển không ngừng với 71 cảng bến thủy nội địa đã góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải thủy nội địa và trung chuyển hàng hóa hỗ trợ cho hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải.

Hiện nay, hàng hóa nội địa chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa thông qua cụm cảng phía Nam, nguồn hàng chủ yếu đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường nội địa dự kiến sẽ tiếp tục là động lực phát triển chính cho hoạt động của cụm cảng miền Nam nói chung và Cái Mép-Thị Vải nói riêng ở giai đoạn tới.

Đến nay Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương duy nhất của cả nước đã và đang tiến hành chuyển đổi số trong quản lý cơ sở hạ tầng cảng biển với 10 bến cảng đã được số hóa. Hệ thống cảng, dịch vụ hậu cần cảng đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách địa phương và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển.

Kết nối hệ thống cảng

Trong những năm qua, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải với Quốc lộ 51 được đầu tư kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển. Thuận lợi về giao thông kết nối giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế thu hút nguồn hàng về Cái Mép-Thị Vải, phục vụ tối đa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển của tỉnh với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Á.

Cùng đó, tỉnh đã đầu tư, cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; hình thành cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho cảng biển lớn trong vùng; tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.

Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng phục vụ kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới, thời gian tới, tỉnh sẽ huy động tất cả các nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển nhằm tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, ông Trần Thượng Chí cho hay.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển ảnh 2 Cảng Quốc tế Gemalink, cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép-Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án giao thông kết nối khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải như đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn-Cái Mép, đường ĐT992 đoạn từ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đến Quốc lộ 51… để kết nối các khu vực kinh tế và nâng cao hiệu quả khai thác cảng trung chuyển Cái Mép-Thị Vải.

Đối với liên kết vùng, Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh để kết nối khu cảng Cái Mép-Thị Vải với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khu vực công nghiệp, đô thị của 5 địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Tỉnh cũng phối hợp, thúc đẩy Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sớm triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu; trong đó ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để phát triển vận tải đa phương thức.

Từ nay đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư đồng bộ, đưa vào vận hành hiệu quả các dự án như hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải tương xứng với cảng đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế; Trung tâm Logistics lớn của khu vực và thế giới; thành lập khu mậu dịch tự do tại khu vực Cái Mép.

Mới đây, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra giải pháp như đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, đẩy nhanh, hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép-Thị Vải.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, tập trung vào dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị phát triển trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trong hành lang kinh tế xuyên Á.

Để tạo bước phát triển mới, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang chủ động kiến tạo lại hệ thống cảng biển để trở thành cảng trung chuyển lớn, xứng tầm khu vực châu Á, hình thành trung tâm logistics, trở thành vành đai công nghiệp; trong đó, việc đẩy nhanh các dự án trọng điểm giao thông kết nối vùng trong giai đoạn mới là bước đi cấp thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.