Bà Rịa-Vũng Tàu tìm giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Trong quý 1/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư mới, với tổng vốn 35,44 triệu USD, diện tích đất sử dụng gần 11ha.
Bà Rịa-Vũng Tàu tìm giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ảnh 1Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong quý 1/2023 có dấu hiệu chững lại, vốn đầu tư rót vào rất nhỏ giọt.

Trước tình hình này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan đã cùng ngồi lại để tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp triển khai thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định vẫn luôn nhất quán với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp luôn sẵn sàng chuẩn bị đầu tư hạ tầng khang trang, hiện đại để đón các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ định hướng của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng đất đai, lao động và thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quý 1/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư mới, với tổng vốn 35,44 triệu USD, diện tích đất sử dụng gần 11ha.

Trong số đó, có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 1 dự án đầu tư trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án giảm một nửa và vốn đầu tư giảm hơn 70%, đặc biệt là đầu tư trong nước.

Tính đến cuối tháng 3/2023, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 553 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng diện đất cho thuê là 3.389ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 55,82%/tổng số 15 khu công nghiệp của tỉnh.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên nhân khiến tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có dấu hiệu chững lại do xung đột về chính trị, tình hình lạm phát gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước; các nhà đầu tư trong năm 2023 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm do đó nguồn vốn đầu tư bị hạn hẹp...

[Bà Rịa-Vũng Tàu đốc thúc giải ngân nhanh vốn đầu tư công]

Ông Nguyễn Thế Kiện, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn CS Wind Việt Nam-Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 cho biết công ty đang sản xuất mặt hàng chính là tháp gió. Hiện nay, sản phẩm này đang phải đang cạnh tranh dữ dội với sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn hàng của công ty giảm chỉ còn khoảng 40% so với năm trước, phía doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Còn ông Nguyễn Phước Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty may mặc Hikosen Cara, Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu chia sẻ hiện lượng đơn hàng của công ty rất ít, giảm sút rất nhiều so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do năm trước đó, khách hàng của công ty đã đặt hàng nhiều đơn hàng nhưng họ lại không tiêu thụ được, lượng hàng tồn còn nhiều.

Đến nay, các khách hàng đã nhập hàng của công ty cũng gặp nhiều khó khăn nên họ sử dụng lượng hàng tồn còn lại và không đặt thêm đơn hàng mới.

Trước tình trạng trên, hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên kết vùng, tập trung vào các nhà đầu tư đến từ các quốc gia có trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao.

Đồng thời, Ban quản lý đôn đốc, giám sát chủ đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, điện chiếu sáng, cây xanh, đồng thời, phát triển hạ tầng mềm như nhà ở công nhân, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí nhằm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư Khu công nghiệp Châu Đức chia sẻ cùng với việc bồi thường giải phóng mặt bằng, công ty cũng tập trung vào việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải chiếu sáng trên phần diện tích đã bàn giao nhằm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thuê đất trong khu công nghiệp.

Bà Rịa-Vũng Tàu tìm giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ảnh 2Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư, có diện tích hơn 1.046ha và đã hoàn thành đầu tư hạ tầng; điện, nước, gas cũng đã có sẵn và cung cấp đến tận hàng rào nhà máy để sẵn sàng phục vụ hoạt động của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Phía chủ đầu tư cũng đã liên kết các ngành công nghiệp hiện có trong tỉnh như hóa dầu, logistics và công nghiệp nguyên liệu sản xuất để giúp thay thế hàng nhập khẩu, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Choi Heung Yeon, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình-Phú Mỹ, cho biết mục tiêu và tầm nhìn của khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là trở thành khu công nghiệp quy mô, hiện đại và là địa điểm đầu tư tối ưu nhất tại Việt Nam cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Thông qua nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng, dịch vụ, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 sẽ góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trước tình trạng thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp có dấu hiệu chững lại, dòng vốn vào nhỏ giọt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thọ đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh về các lĩnh vực đầu tư, trong đó bám sát vào mục tiêu của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh thâm hụt đất đai, lao động, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao.

Để có thể sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn và bám sát theo mục tiêu đầu tư của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, thúc đẩy giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch, quan tâm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.