Ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ hai thảo luận về luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.
Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Cho ý kiến về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu đồng tình với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu về chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu cụ thể cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, thiên tai, khí hậu biến đổi khó lường.
Nhiều ý kiến đề cập tới giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững; giải ngân vốn đầu tư công tránh dàn trải, lãng phí; giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; về tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai; tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác dự báo về tình hình thiên tai; bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở, chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai; thực trạng và hiệu quả các công trình thủy điện, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tình trạng ô nhiễm nước thải ở khu vực nông thôn; vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục mầm non; các giải pháp đối với vấn đề lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…
Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về sách giáo khoa từ các nhà khoa học giáo dục, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên, người dân bình thường, với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học lớp 1.
[Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt quản lý phát triển thủy điện]
Theo quy định của luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và các khâu hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt sách...
Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm.
Trong các phiên họp gần đây, Chính phủ đều thảo luận về vấn đề sách giáo khoa. "Có thể nói, cuốn tiếng Việt của nhóm Cánh diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn," Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cho rằng, lỗi này cần phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học. Báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ; trong đó trách nhiệm theo luật định thuộc về Bộ trưởng. Bộ đã có các bước chỉ đạo khá cương quyết, điển hình là thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Theo Phó Thủ tướng, những sai sót đó có thể tránh được và Bộ phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, để trong quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.
Tại phiên thảo luận, trước nhiều ý kiến yêu cầu cần xem xét kỹ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ nhằm hạn chế phá rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu và sự vận chuyển của trầm tích thay đổi dòng chảy... Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào nếu sử dụng đến diện tích đất rừng tự nhiên.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và công trình thủy điện với các quy mô khác nhau; dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và có công suất khoảng 20.000 MW.
Đây là nguồn năng lượng quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước phát triển kinh tế, xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.
Trên thực tế, ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng tích nước và tùy thuộc vào công suất, có thể cắt giảm, điều tiết lũ cũng như phục vụ nhu cầu phát triển địa phương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu "không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện gây ra, trong đó tác động đến môi trường đất, nước, khí hậu cũng như đời sống dân sinh," trên thực tế đã có tác động đến dòng chảy, cấu trúc địa chất của đất khu vực cũng như nguồn lợi thủy sản, đời sống của nhân dân.
Trả lời thắc mắc của các đại biểu về ảnh hưởng của thủy điện đến tình hình lũ bão, ngập lụt cũng như những nguy cơ sạt lở đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua khảo sát thực tế cũng như ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, báo cáo của địa phương, việc sạt lở đất gây ra những tổn hại nghiêm trọng về người và của vừa qua tại Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam..., gắn chặt trực tiếp với yếu tố dị thường, cực đoan của thời tiết.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn và chức năng, lượng mưa tại các địa phương này lên đến hàng nghìn mét khối/giây.
Đây là những nguy cơ rất lớn, tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương, gây ra sụt lở rất nghiêm trọng. “Vấn đề mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, mất độ kết dính của đất… do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện cũng như các dự án khác là vấn đề không thể phủ nhận trong một mức độ chừng mực nhất định,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Trước những biến đổi khí hậu và yếu tố cực đoan của thời tiết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để đối phó, ứng phó với thiên tai, bão, lũ là “một câu chuyện mới” đặt ra yêu cầu với công tác nghiên cứu khoa học để đưa ra cảnh báo một cách cụ thể hơn nữa.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương, bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế và những mặt tích cực; từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, hạn chế những tác động tiêu cực; đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước.
Giải trình làm rõ một số ý kiến nêu về các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết thời gian tới, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021-2025 trình với Quốc hội. Nguồn vốn này đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021-2025. Ủy ban Dân tộc đã thông báo nguồn vốn công khai đến 51 tỉnh.
Trên cơ sở tiếp nhận lại thông tin của các tỉnh, Ủy ban Dân tộc đã làm việc với 15 tỉnh; từ đó có đánh giá, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn. “Khi chúng ta thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình quốc gia này, sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước,” Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhận định, trong lúc tình hình đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành 104.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một sự quan tâm rất đặc biệt.
Ngày 5/11,Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi./.