Bác đề xuất của ông Trump, OPEC và đối tác không thay đổi sản lượng

Ngày 23/9, các nước thành viên OPEC và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ; trong đó có Nga, đã kết thúc cuộc họp tại Algiers mà không đưa ra đề xuất chính thức về tăng sản lượng bổ sung.
Bác đề xuất của ông Trump, OPEC và đối tác không thay đổi sản lượng ảnh 1Cơ sở lọc dầu Ras Tannura tại tỉnh Dammam, miền đông Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/9, các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ; trong đó có Nga, đã kết thúc cuộc họp tại Algiers mà không đưa ra đề xuất chính thức về tăng sản lượng bổ sung.

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC bác bỏ mọi đề xuất tăng ngay lập tức hay bổ sung sản lượng dầu thô, từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih khẳng định quốc gia thành viên OPEC này hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng khai thác, song một động thái như vậy là không cần thiết vào thời điểm này. Ông nhấn mạnh các thị trường đều đang có nguồn cung thỏa đáng.

[Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do khả năng OPEC chưa nâng sản lượng]

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang tạo ra những thách thức mới cho thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, ông khẳng định các nước không cần phải tăng sản lượng ngay lập tức.

Về phần mình, Bộ trưởng Dầu mỏ Oman Mohammed bin Hamad Al-Rumhy và người đồng cấp Kuwait Bakhit al-Rashidi cho rằng các nước sản xuất dầu mỏ nhất trí rằng họ cần đạt được sự tuân thủ 100% đối với quyết định cắt giảm sản lượng dầu, đã được nhất trí tại cuộc họp OPEC hồi tháng Sáu vừa qua. Điều này rõ ràng nhằm mục đích đền bù cho sự sụt giảm sản lượng từ Iran.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Al-Rumhy cho biết thêm cơ chế chính xác cho hoạt động này vẫn chưa được thảo luận.

Giá dầu thô Brent Biển Bắc đã lên tới 80 USD/thùng trong tháng này là nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump đưa ra đề xuất OPEC hạ nhiệt mặt hàng chiến lược này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.