Chiều 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Bắc Giang - địa phương được coi là thủ phủ trái cây khu vực phía Bắc với những mặt hàng nông sản nổi tiếng như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, Mỳ Chũ, rượu làng Vân...
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu và dự kiến đạt kết quả 17/17 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thảnh và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức cao, bình quân đạt 14,6% (riêng năm 2019 đạt 16,2%, đứng thứ 3 cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp-xây dựng chiếm 55%, dịch vụ nông nghiệp 15%. Thu ngân sách năm 2019 đạt trên 12.000 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc hình thảnh, phát triển các thương hiệu sản phẩm và tăng cường chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Đang chú ý, Bắc Giang đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 50 000 ha, đứng thứ 4 cả nước; vùng vải thiều 28.000ha, lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa phương có đàn gia cầm đứng thứ 3 cả nước; đàn lợn đứng thứ 4 cả nước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bắc Giang đã bám sát tiến trình phát triển cùng cả nước với 10 điểm sáng: Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3000 USD, bằng mức bình quân chung cả nước. Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, ổn định; thu ngân sách vượt xa so với chỉ tiêu đề ra; thu hút đầu tư tăng mạnh, sôi động và được đánh giá là 1 trong những địa phương hấp dẫn để đầu tư. Việc tích tụ và đổi mới đất sử dụng nông nghiệp được triển khai đa dạng với nhiều mô hình hiệu quả.
Thủ tướng biểu dương kết quả xây dựng nông thôn mới của Bắc Giang, đứng đầu các tỉnh phía Bắc, qua đó, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Các lĩnh vực y tế, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thi học sinh giỏi quốc gia... Quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác phòng, chống buôn lậu được tăng cường.
[Đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng]
Thủ tướng cũng ghi nhận tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân được duy trì và phát huy tại Bắc Giang. Tỉnh cũng đã có tầm nhìn tốt trong xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong bối cảnh khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng quý 1 năm 2020, Bắc Giang vẫn đạt mức tăng trưởng 7,4%. Điều này thể hiện nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang.
“Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành,” nhắc lại câu thơ nổi tiếng về mảnh đất Bắc Giang; đồng thời nhắc đến những nét văn hóa đặc sắc của Bắc Giang - một tiềm năng lớn cho phát triển du lịch văn hóa của địa phương.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Bắc Giang cần có hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương Vùng Thủ đô, đặc biệt là nhân sỹ, trí thức, người tài; các mặt hàng nông lâm thổ sản có thương hiệu, uy tín.
Về những nhiệm vụ 2020, Thủ tướng đề nghị Bắc Giang thực hiện thành công mục tiêu kép, phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức kế hoạch 2020, đóng góp nhiều hơn vào thành tích chung của cả nước. Cùng với đó, chú trọng đề phòng dịch bệnh COVID-19 quay trở lại. Tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; bám sát các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Thủ tướng cũng lưu ý địa phương chú trọng việc triển khai công tác an sinh, xã hội; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030; làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ địa phương cả về văn kiện, nhân sự.
Đề cập đến những hạn chế cần khắc phục của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhịp độ tăng trưởng còn phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI; phát triển kinh tế phải hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập cho người dân.
Thủ tướng cũng cho rằng, mức tăng trưởng của tỉnh hiện vẫn dưới tiềm năng; đất đai, giao thông, dịch vụ logisitic là những vấn đề còn nhiều bức xúc cần sớm tập trung giải quyết. Quỹ đất phát triển công nghiệp của Bắc Giang cũng còn thiếu, chưa thu hút được các dự án công nghệ cao. Mô hình dịch vụ chưa phát triển tương ứng với phát triển công nghiệp, các vấn đề như dịch vụ vui chơi, giải trí, thiết chế công đoàn cần được quan trọng đầu tư nhiều hơn.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù thu ngân sách tăng nhưng cân đối chưa phù hợp vì vậy, Bắc Giang vẫn là tỉnh chưa có mức thu đủ để điều tiết được ngân sách về Trung ương.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ; chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị hiệu quả cao. Nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề cũng là những vấn đề còn nhiều bất cập tại địa phương. Việc phát triển đô thi mới, đô thị vệ tinh chưa rõ nét, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Về định hướng, mục tiêu nhiệm vụ của Bắc Giang trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tận dụng lợi thế vị trí, văn hóa, con người tại chỗ để phát triển bền vững. Cần xác định và lựa chọn mô hình kinh tế xuyên suốt để phát triển, chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; có định hướng, tiêu chí rõ ràng; đặc biệt cần thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, các nguồn lực phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương.
Nhấn mạnh, con người là vốn quý nhất, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần phát huy lợi thế nguồn lao động dồi dào đang thời kỳ dân số vàng; quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực công nghệ cao, thương mại điện tử, hướng đến phát triển kinh tế số, hạ tầng số để đảm bảo lâu dài cho một nền kinh tế thông minh.
Thủ tướng cũng lưu ý địa phương đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển công nghệ cao, lấy công nghiệp làm trụ cột. Cùng với đó là quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, các sản phẩm chủ lực của địa phương phục vụ nhân dân, phục vụ xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển toàn diện nông nghiệp nông thôn. Do đó, cần hoàn thiện các loại hình quy hoạch ngành, vùng; làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp Bắc Giang là một lợi thế so sánh, cần ưu tiên gìn giữ và tập trung phát triển. Thủ tướng cũng gợi ý địa phương quan tâm hơn nữa đến việc khai thác, đầu tư nhiều hơn để phát triển du lịch; tiếp tục đầu tư xây dựng kho hàng, sân bãi, tài chính, viễn thông. Theo đó, tỉnh cần đặt đột phá vào phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng số, nông nghiệp thông minh, tăng năng suất lao động và nhất là cần tạo điều kiện và khuyến khích nhiều hơn nữa người nông dân ứng dụng thanh toán thương mại điện tử.
Thủ tướng cũng đề nghi Bắc Giang lưu ý giải quyết khó khăn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tốt các vấn đề an ninh trật tự để không xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Nhân dịp công tác tại Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm "Vườn quả Bác Hồ" (tiền thân là "Rừng cây Bác Hồ") tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, Thủ tướng đã trồng cây lưu niệm và trò chuyện với bà con nhân dân vùng vải xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đến thăm cụm di tích quốc gia Tiên Lục (gồm chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa và cây Dã Hương nghìn năm tuổi) thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Cây dã hương trong cụm di tích khoảng 8 người ôm, chu vi chỗ lớn nhất khoảng 17m, cao khoảng 36m. Vào thế kỷ XVIII, cây dã hương này đã được vua Lê Hiển Tông sắc phong là Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương, nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước.
Nhân dịp Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 tổ chức tại thành phố Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cắt băng xuất hành đoàn xe chở vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong và ngoài nước./.