Bạc Liêu: Giám sát chặt tàu cá nguy cơ cao vi phạm biển nước ngoài

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bạc Liêu chưa phát hiện hành vi môi giới đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm quy định IUU.
Vận chuyển sản phẩm khai thác thủy sản tại các vựa cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Bạc Liêu là địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh, trung bình mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn. Đánh bắt, khai thác thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành thủy hải sản của cả nước.

Những tín hiệu đáng mừng

Để ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm thực hiện tốt quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).

Đáng mừng nhất khi 6 tháng đầu năm 2022, chưa phát hiện hành vi móc nối, môi giới đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không có tàu cá tỉnh Bạc Liêu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý do vi phạm quy định IUU.

Bạc Liêu cũng là địa phương thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý tàu và cấp giấy phép khai thác thủy sản; kiểm soát tàu cá ra, vào cảng một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh rất quan tâm và huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, quyết tâm thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn, góp phần sớm khắc phục “thẻ vàng” của EC.

Đây được xem là kết quả của những nỗ lực trong việc phối hợp với các đơn vị có liên quan của tỉnh Bạc Liêu cùng với lực lượng Cảnh sát biển trong việc triển khai các biện pháp như điều tra, theo dõi, giám sát những tàu làm nghề khai thác trên biển có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đi kèm với tuyên truyền, vận động, buộc cam kết đến từng chủ tàu, thuyền trưởng.

Thay đổi nhận thức ngư dân

Để thay đổi nhận thức, hành vi của ngư dân, các cấp, các ngành và các địa phương của tỉnh Bạc Liêu cũng đã triển khai linh hoạt bằng nhiều biện pháp, vừa kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu.

Ngoài việc tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về các quy định về chống khai thác IUU, chính quyền các địa phương có vùng biển còn thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ tàu cá ở Gành Hào, huyện Đông Hải, chia sẻ trước đây một số ngư dân hay chạy sang vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt vì nhiều lý do. Nhưng hiện nay thì hầu như các tàu thuyền ở đây không còn vi phạm vì sợ bị phạt, bị bắt giữ, nguy hiểm. Hơn nữa, từ năm 2022, ông Hiếu cùng nhiều chủ tàu khác đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

[Tỉnh Bạc Liêu chung tay gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu]

Tương tự, ông Đặng Minh Thùy, một chủ tàu cá khác tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết thêm, việc tỉnh Bạc Liêu thành lập các Tổ liên kết khai thác trên biển không chỉ hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả khai thác mà còn giúp nhau an tâm bám biển, mà còn dễ dàng kiểm soát, nhắc nhở nhau chỉ khai thác ở vùng biển trong nước, không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, hiện tại 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi khi các chủ tàu cá hợp tác thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển. Đồng thời, kịp thời xử lý các tình huống xấu trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.

Những giải pháp đồng bộ

Khó khăn nhất hiện nay trong quản lý các tàu cá là tình trạng nhiều tàu mang số hiệu quản lý của tỉnh Bạc Liêu nhưng trên thực tế là của các địa phương khác, do chủ tàu đã sang bán nhưng không thực hiện thủ tục sang tên theo quy định nên gây khó khăn trong quản lý. Hoặc các tàu khai thác thủy sản cập bến, lên cá ở các vựa thu mua bên ngoài, không qua cảng cá nên việc giám sát sản lượng thủy sản khai thác chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác.

Tàu cá của ngư dân Bạc Liêu neo đậu tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Cảng cá Gành Hào là cảng cá chỉ định để xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác nhưng mặt bằng hẹp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khai thác, kinh doanh thủy sản của các doanh nghiệp và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nguồn nhân lực của Ban quản lý cảng còn thiếu so với yêu cầu; đa số có trình độ chuyên môn chưa đúng với chuyên ngành nên việc kiểm tra phân loại thành phần loài còn hạn chế nên giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, thu nhật ký khai thác thủy sản chưa đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, mặc dù đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng tình trạng tàu mất kết nối khi hoạt động trên biển vẫn còn xảy ra, nếu không quản lí chặt, chấn chỉnh tình trạng này rất dễ dẫn đến vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài của các chủ tàu cá.

Chi cục Thủy sản cho biết qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng qua có 55 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên của tỉnh Bạc Liêu mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày. Chi cục Thủy sản đã thông báo danh sách tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển quá 10 ngày gửi các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh nhắc nhở, chủ tàu khắc phục vi phạm. Đồng thời liên hệ đến các đơn vị cung cấp thiết bị để có biện pháp xử lý, thay thế bảo dưỡng.

Tỉnh Bạc Liêu xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là vấn đề quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài nên huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc với với quyết tâm cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, về IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên; vận động ngư dân thay đổi thói quen cũ, nhận thức rõ các hành vi vi phạm và tự giác tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản vẫn sẽ là giải pháp được tỉnh Bạc Liêu quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó là đổi mới hình thức và đa dạng hóa phương thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã/phường/thị trấn, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan; thông tin, tuyên truyền những tập thể, cá nhân điển hình (tốt và chưa tốt).

Trong việc chống khai thác IUU, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tại cảng cá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, giám sát “đặc biệt," kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá thường xuyên mất kết nối, cố tình ngắt kết nối để vi phạm vùng biển nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục