Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về IUU

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành thủy sản cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về IUU.
Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về IUU ảnh 1Ngư dân vận chuyển cá tại cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục Thủy sản chiều 24/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành thủy sản cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá kết quả ngành thủy sản đạt được năm 2021 rất ngoạn mục, đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch COVID-19, ngành đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ sản xuất, lưu thông, phân phối, đảm bảo sự tăng trưởng và xuất khẩu.

Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng các đề án, ngành thủy sản đã có được hệ sinh thái phát triển thời gian tới. Ba trụ cột khai thác, nuôi trồng và bảo tồn tiếp tục phải được tập trung đồng bộ với các giải pháp để đạt được kết quả không chỉ cho năm 2022 mà còn các năm tiếp theo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đánh giá về kết quả năm 2021, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ngành thủy sản giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 1,3 triệu hecta; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 380.000ha (cá tra 5.700ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920.000ha (tôm nước lợ 737.000ha).

Trước những khó khăn do dịch COVID-19, Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất như điều chỉnh mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo việc phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất...

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Ước tính năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó, sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020; nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,6% so kế hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hùng, mặc dù tổng sản lượng ngành thủy sản có tăng, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra; trong đó, sản lượng khai thác tiếp tục tăng dù không tăng về số lượng tàu cá dẫn đến việc thực hiện mục tiêu giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác sẽ khó khăn hơn.

Về quản lý tàu cá, cả nước đã thực hiện lắp đặt thiết bị cho 27.716/30.615 tàu (90,5%); hướng dẫn các địa phương triển khai quy định có liên quan đến hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.

[Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt gần 8,9 tỷ USD]

Nhằm khắc phục “thẻ vàng” về IUU, Tổng cục Thủy sản tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, khắc phục ngay các sai sót, không gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hải sản khai thác vào châu Âu.

Hiện nay, cả nước đã có 16/28 tỉnh thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tập trung tại các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chủ yếu phục vụ hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.

Năm 2021, số giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đã cấp là 3.104 giấy với khối lượng đạt 41.085 tấn thủy sản các loại. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ở các nước trong khu vực vẫn còn. Đến hết tháng 11/2021, cả nước đã xảy ra 60 vụ/98 tàu/775 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết năm 2021, Bộ và Tổng cục đã triển khai trên 10 đoàn công tác kiểm tra IUU tại các địa phương. Sau mỗi lần kiểm tra, đặc biệt sau cuộc họp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có sự tiến bộ rõ rệt. Ý thức của người dân, cán bộ chính quyền cũng nâng cao. Ngư dân đã hình thành được ý thức nộp nhật ký khai thác và chỉ còn một bộ phận rất nhỏ cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay trong thời gian tới Tổng cục Thủy sản tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế; phát triển các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa.

Đối với khai thác, ngành quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang các nghề khác cho ngư dân. Đặc biệt, phối hợp cùng địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.