Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt gần 8,9 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước đó và tăng 4,6% so kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt gần 8,9 tỷ USD ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước đó và tăng 4,6% so kế hoạch.

Để đạt được kết quả trên trước những khó khăn do dịch COVID-19, Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất.

Điển hình như việc điều chỉnh mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo việc phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất... duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản.

Tổng cục đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời tổ chức các các hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất để đảm bảo duy trì sản xuất thủy sản, chuỗi cung ứng không bị đứt gẫy trong năm 2021 và năm 2022.

[Triển lãm thúc đẩy xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam tại Australia] 

Đặc biệt nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, nhất ở các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19, sản xuất tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động làm việc với Cơ quan thanh tra thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) xác định Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam và thực thi các quy định trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đảm bảo đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục duy trì được 13 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhiều thị trường bổ sung danh sách doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu như Nga bổ sung 19 doanh nghiệp; Hàn Quốc 16 doanh nghiệp, Trung Quốc cũng bổ sung 13 doanh nghiệp.

Riêng thị trường Trung Quốc, tổng số doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khẩu sang thị trường này hiện là 779 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 900 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt, tiền đề cho thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.