Kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là dịp để nhìn lại chặng đường phát triển của ngành và sự đóng góp của các đơn vị trong tiến trình ấy.
Trong không khí vui tươi nhưng cũng đầy hoài niệm của mùa Thu Cách mạng, chúng tôi, những cán bộ làm công tác đối ngoại của ngành trong thời kỳ đất nước hội nhập toàn diện, đã có dịp gặp lại một số đồng chí nguyên lãnh đạo và nhà báo thông tấn lão thành để trao đổi, tìm hiểu về những chặng đường “các bậc tiền bối” đã đi qua.
Những cuộc tiếp xúc đó cùng các trang hồ sơ về công tác đối ngoại của cơ quan, giúp chúng tôi có nhận thức sâu sắc về sự chú trọng của ngành thông tấn đối với công tác đối ngoại. Công tác này được triển khai từ rất sớm, được thực hiện thường xuyên, ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Và dù diễn ra ở đâu, trong thời kỳ nào thì công tác đối ngoại ngành cũng luôn hướng tới mục đích mở rộng bang giao, góp phần mang tiếng nói chính thức của Việt Nam đến với đông đảo công chúng trên toàn thế giới, nâng cao vị thế của đất nước và vai trò của ngành.
Bài 1: Phát triển mạnh mẽ trên nền tảng vững vàng
Hồ sơ lưu trữ của ngành mà chúng tôi được tiếp cận cho thấy, ngay khi đất nước đang kháng chiến, cơ quan thông tấn non trẻ đã bắt đầu thực hiện công tác đối ngoại: Thỏa thuận hợp tác song phương đầu tiên của ngành là văn bản hợp tác nghiệp vụ giữa Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) và Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ký vào ngày 13/10/1958.
Ba năm sau, năm 1961, VNTTX ký Thỏa thuận đa phương đầu tiên với Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA). Nhắc lại những dấu mốc này để thấy, lãnh đạo VNTTX đã đặt nền móng cho hoạt động hợp tác song phương và đa phương từ hơn nửa thế kỷ qua.
Sau những “viên gạch” nền móng vững chắc đó, cùng với bước thời gian, công tác đối ngoại của ngành cũng có những bước phát triển nhanh chóng. Đất nước “căng” mình chống giặc ngoại xâm, nhiệm vụ đối nội nặng trĩu trên vai cơ quan thông tấn nhà nước, các nhà báo VNTTX phải “tay súng tay bút,” nhưng nhiệm vụ đối ngoại vẫn không hề bị sao lãng. TTXVN lần lượt thiết lập mối quan hệ hợp tác với các hãng thông tấn xã hội chủ nghĩa và cả một số hãng tư bản, mạng lưới phóng viên thường trú dần mở rộng…
Và ngay trong những năm tháng vô cùng gian khổ đó, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với tinh thần “đồng cam, cộng khổ,” “chung lưng, đấu cật,” lãnh đạo ngành đã quyết định cử nhiều chuyên gia là các phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên sang đất nước Lào anh em, giúp bạn xây dựng Thông tấn Pathét Lào (KPL) và giúp Campuchia phát triển nguồn nhân lực cho Hãng thông tấn SPK của Campuchia sau này. Tinh thần trách nhiệm và ý thức “giúp bạn như giúp mình” của các chuyên gia Thông tấn xã thời ấy đã đắp xây nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt giữa TTXVN với các hãng thông tấn anh em trong khu vực.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giúp đặt dấu chấm hết cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, non sông thu về một mối. Sứ mạng của những cán bộ làm công tác đối ngoại ngành trong mấy thập niên sau đó đặt trước yêu cầu cần phải điều chỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức triển khai có hiệu quả của thời kỳ đó là tìm hiểu và tiếp cận với những trang thiết bị tiên tiến về cả in ấn và bán dẫn để có thể trang bị cho hoạt động nghiệp vụ của ngành trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận. Thông tin tư liệu về hoạt động đối ngoại ngành thời kỳ này không nhiều, chúng tôi được biết chủ yếu thông qua lời kể của các đồng chí nguyên lãnh đạo.
Chính trong những năm tháng khó khăn đó, TTXVN tự hào là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tiếp cận được với công nghệ hiện đại, có hệ thống máy tính để thu phát tin, dần thay thế hệ thống thu phát tin thế hệ trước. Thành quả này có được là nhờ việc đánh giá đúng tầm quan trọng của các phương tiện kỹ thuật trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành trong tình hình mới. Các mối quan hệ hữu nghị được thiết lập khi đó đã tiếp tục trở thành nền tảng cho sự phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế của TTXVN sau này.
Trải qua những biến động trong những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, công tác đối ngoại của TTXVN có thêm nhiều hoạt động mới. Trong đó phải kể đến việc TTXVN một lần nữa đưa lực lượng sang giúp Campuchia xây dựng Hãng thông tấn SPK.
Theo lời kể của nguyên Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN (S78) đầu tiên giúp SPK, thì TTXVN đã đưa toàn bộ máy móc thiết bị ở T6 Quốc Oai sang, giúp trang bị cho SPK một cơ sở vật chất của một hãng thông tấn cỡ trung bình trong khu vực lúc ấy; giúp bạn đào tạo phóng viên, kỹ thuật viên….
Một điểm đáng chú ý nữa là, nhiều hãng thông tấn của các nước xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại, một số hãng thông tấn tiếp tục duy trì hoạt động lại chuyển sang mô hình doanh nghiệp, tính chất của quan hệ hợp tác được chuyển sang quan hệ đối tác.
Bên cạnh đó, thành công bước đầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Việt Nam đặt công tác đối ngoại của ngành trong bối cảnh mới. TTXVN nhanh chóng thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với cơ quan thông tấn các nước thành viên ASEAN, tham gia tích cực vào Mạng lưới Trao đổi Tin tức ASEAN (ASEAN News Exchange – ANEX).
Một điểm đáng chú ý nữa là TTXVN thời kỳ này đã đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế như Hội nghị Ban Chấp hành của OANA, tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác thông tin trong khuôn khổ hợp tác của các nước không liên kết, các hoạt động hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ (Francophone)...
Đến năm 2000, TTXVN đã ký tổng cộng 31 Thỏa thuận hợp tác với các hãng thông tấn trên thế giới. Quá trình hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam đã giúp các ngành, trong đó có TTXVN, thực hiện việc ký kết các thỏa thuận hợp tác phù hợp với quy định của Luật ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế.
Trong gần 15 năm qua, TTXVN đã ký lại và ký mới 35 Thỏa thuận hợp tác, trong đó có rất nhiều thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin được ký với các hãng thông tấn của các nước mà ta chưa có phóng viên thường trú. Ngoài ra, TTXVN còn định kỳ rà soát, kiểm điểm việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác để từ đó đề xuất những điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của ngành.
Việc thực thi thỏa thuận hợp tác với các hãng giúp TTXVN có được nguồn thông tin phong phú, sự hỗ trợ của các hãng đối tác dành cho phóng viên thường trú của TTXVN - hiện đã có mặt tại 30 địa bàn của 28 quốc gia - và tạo ra các cơ hội để trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ. Việc trao đổi thông tin với các hãng đối tác tiếp tục là “cánh tay nối dài” để nguồn tin bằng tiếng nước ngoài - tiếng nói chính thức của Đảng và Nhà nước - đến được với công chúng trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình giao lưu học hỏi với các đối tác, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển cao hơn như Kyodo của Nhật Bản, AFP của Pháp, Yonhap của Hàn Quốc, TASS của Nga,... cũng giúp lãnh đạo ngành có thêm cơ sở để đưa ra những định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số đồng thời, việc thực thi các thỏa thuận này cũng giúp TTXVN có ảnh hưởng lớn hơn tại các diễn đàn khu vực và thế giới, hay tổ chức các sự kiện thu hút được sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả nguyên thủ các quốc gia.
Nếu như trước đây, các thỏa thuận hợp tác giúp TTXVN có thêm nguồn tin và ảnh thì năm 2010, với sự ra đời kênh Vnews của Trung tâm Truyền hình Thông tấn - TTXVN có thêm một loại hình thông tin mới phục vụ công chúng, công tác đối ngoại cũng đã có sự chuyển biến phù hợp với xu thế phát triển của ngành.
Trong gần một thập kỷ qua, bên cạnh các hoạt động hợp tác truyền thống, TTXVN và các đối tác đã có nhiều hoạt động mới, như hợp tác tổ chức các cuộc triển lãm ảnh vào các dịp lễ trọng.
Năm 2010, TTXVN và Tân Hoa xã phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc; năm 2012, TTXVN và Yonhap tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc; năm 2013, TTXVN và Kyodo đã tổ chức triển lãm ảnh tại Hà Nội và Tokyo đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, cũng là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai hãng thông tấn.
Đặc biệt, năm 2013, TTXVN và TASS phối hợp tổ chức triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin. Lần đầu tiên, một sự kiện do TTXVN tổ chức tại Hà Nội có sự tham dự của hai nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga V. Putin.
Những năm gần đây, hàng năm có hàng chục lượt phóng viên của TTXVN có dịp được tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và trực tiếp cùng các đồng nghiệp các nước tạo ra các sản phẩm thông tin tuyên truyền đối nội và đối ngoại. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động trao đổi, phóng viên TTXVN từ mọi miền đất nước có cơ hội hiểu hơn về phương thức tác nghiệp hiện đại của các hãng thông tấn đối tác./.
Bài 2: Cơ quan thường trú ngoài nước - các “sứ giả” của TTXVN