Từ nhiều năm nay, hàng loạt mỏ vàng phân bố nhỏ lẻ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã bị đào bới trái phép khiến hoạt động khai khoáng diễn biến hết sức phức tạp. Thậm chí, tại một số nơi, các đối tượng xấu còn tổ chức đào mỏ, gây chết người và đe dọa tính mạng những cán bộ truy quét "vàng tặc."
Còn với các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, sau một thời gian tổ chức tận thu, doanh nghiệp lại tìm đủ lý do để “xù” nợ thuế, phí. Việc này đã khiến ngành thuế Quảng Nam thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi, để giải quyết sự cố về môi trường, an toàn lao động thì ngân sách Nhà nước phải bỏ ra gấp 3-4 lần số tiền mà các doanh nghiệp khai thác mỏ đóng góp…
Bài 1: Khai thác vàng trái phép gây chết người, chính quyền thờ ơ
Câu chuyện sập hầm khai thác vàng trái phép làm 4 phu vàng thiệt mạng do ngạt khí vào giữa tháng Tư vừa qua tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn “ăn cắp” khoáng sản và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.
Khai thác 2 năm... chính quyền không biết?
Chúng tôi có mặt tại thôn Dung vào những ngày cuối tháng Năm, hơn một tháng sau vụ ngạt khí khi khai thác tài nguyên trái phép dẫn tới 4 người thiệt mạng, nhiều người dân ở đây, vẫn chưa hết bàng hoàng khi được hỏi về vấn đề này và phải mất nhiều thời gian chúng tôi mới nhờ được người dân dẫn đến khu vực phu vàng bị ngạt khí.
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, khu vực xảy ra vụ ngạt khí nằm cách trung tâm huyện Nam Giang gần 10km, cách Ủy ban nhân dân thị trấn Thạch Mỹ chưa đầy 2km. Nơi đây, vẫn còn lán bằng bạt xanh khá lớn, lối vào mỏ do không ai vào, sau vài trận mưa, cỏ đã mọc cao.
Tranh thủ tiếp xúc với người dân sinh sống xung quanh khu vực hầm khai thác vàng trái phép, nhiều người dân ở thôn Dung vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc tới vụ việc, bởi bà chủ của nhóm phu vàng trái phép (tên Thương) là người ở thôn Dung, và là vợ của Đội trưởng Cảnh sát giao thông huyện Nam Giang.
Điều đáng lưu tâm hơn là, để thực hiện trót lọt việc khai thác vàng, bà Thương đã tổ chức 1-2 đợt từ thiện như tặng gạo, mỳ tôm và nước mắm cho một số hộ gia đình khó khăn trong thôn. Nhờ “tấm lòng thơm thảo” đó, người dân địa phương dường như cũng không nghi ngờ mưu đồ của bà chủ này.
Theo tìm hiểu, bà chủ của nhóm phu vàng trên tên đầy đủ là Văn Thị Hoài Thương (36 tuổi, trú thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ), đang bị giam giữ để điều tra cùng các bị can Bá Nhia (23 tuổi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), Cụt Văn Hoành (29 tuổi) và Cụt Văn Bình 18 tuổi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vì tội danh “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự.
“Tôi cứ nghĩ cô Thương là người có học thức, là vợ của cán bộ công an, nên khi cô ấy bảo cho bà con quà thì tôi thông báo đại diện các gia đình đến nhận. Không ngờ, đằng sau tấm lòng của cô ấy lại là việc làm sai phạm, nếu không xảy ra tai nạn thương tâm thì chắc cũng không ai biết,” ông A Hó Thiết, trưởng thôn Dung nói.
Ông Thiết cho biết thêm, từ năm 2014, người dân trong thôn có nói với ông về những đợt nổ mìn ở trên địa bàn, nhưng bà con cũng chỉ nghĩ là của doanh nghiệp khai thác đá gần đó nên sự việc được bỏ qua. Sau đó, vì tiếng mìn nổ gần nhà dân hơn, nên đầu năm 2016, ông mới quyết định báo cáo lên Ủy ban nhân dân thị trấn Thạnh Mỹ để lãnh đạo thị trấn có chỉ đạo kiểm tra.
Tuy nhiên, mãi đến tháng Tư vừa qua, khi xảy ra vụ việc chết người do nổ mìn trong hầm để khai thác vàng trái phép nêu trên, lãnh đạo các cập của địa phương mới về nắm bắt tình hình, điều tra vụ việc.
Là người sinh sống ở gần khu vực hầm khai thác vàng trái ở thôn Dung, ông Đàm Hữu Mộc cũng khẳng định, trước ngày xảy ra vụ tai nạn, ngày nào ông cũng nghe thấy tiếng mìn nổ, nhất là vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình. Việc nổ mìn này cũng không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra.
“Người ta nổ mìn là thế, nhưng mình có làm được gì đâu. Chắc lãnh đạo ở trên họ bảo lãnh rồi nên doanh nghiệp họ cứ làm thôi. Còn việc người ta hỗ trợ nước mắm, mỳ tôm thì nhà tôi có nhận được đâu, khi nghe thống báo, ra nhận thì người ta lấy hết rồi,” ông Mộc nói.
Xã không báo nên huyện không biết xử lý!
Trái ngược với những gì người dân nói, ông Ka Pu Tân, Chủ tịch thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, đầu năm 2016, ông nghe người dân phản ảnh có tình trạng khai thác, nổ mìn ở trên địa bàn thôn Dung, nhưng do cuối năm bận lo Tết cho người dân, rồi đầu năm mới lo nhiều sự kiện quan trọng khác của địa phương nên chưa kiểm tra được.
Thế nhưng, chưa kịp kiểm tra, truy quét thì đã xảy ra sự cố đau lòng.
Ông Tân cũng thừa nhận trách nhiệm khi sự việc xảy ra một phần là do địa phương không quản lý tốt. Đặc biệt, địa phương cũng không biết họ khai thác vàng hay làm gì khác vì theo ông, nếu khai thác vàng phải có máng, nước được đưa từ bên ngoài vào và nước xả từ bên trong ra, đằng này, trước miệng hầm không có nước, chỉ có dây điện và ống hơi nén dẫn vào trong…
Trong khi đó, ông A Lăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang khẳng định, việc nổ mìn để khai thác hầm vàng tại thôn Dung là trái phép. Tuy nhiên, do địa hình rừng núi đi lại khó khăn, các đối tượng lại nổ mìn vào ban đêm, nên xã không thông báo thì phòng tài nguyên và môi trường cũng không thể biết mà xử lý.
“Về việc khai thác hầm vàng khiến 4 người chết ở thôn Dung, nghe tin bà chủ của nhóm phu vàng là vợ của Đội trưởng Cảnh sát giao thông huyện Nam Giang. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi sợ, tiếc là xã không báo, chúng tôi không biết. Chúng tôi cũng không xác định được người ta đã làm bao giờ...,” ông Cường nói.
Vị trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Nam Giang cũng khẳng định, hiện nay trên địa bàn chỉ còn 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, không tính nhà máy xi măng Xuân Thành. Khoảng vài năm nay cũng không có khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa thì cán bộ không đi hết được nên bản thân ông cũng không dám khẳng định.
Sau buổi làm việc, chúng tôi rời thôn Dung với ngổn ngang bao câu hỏi chưa thể giải đáp, vì sao nạn vàng tặc lại dai dẳng, nhức nhối đến vậy? Trong khi, chúng ta có trong tay đầy đủ các cơ quan chức năng, lực lượng không phải quá mỏng?../.
Sau vụ tai nạn sập hầm vàng khiến 4 người thiệt mạng xảy ra tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, những tưởng sẽ là hồi chuông cảnh báo cho những người đang phá rừng để “rút ruột tài nguyên.” Thế nhưng, hàng ngày, những hầm khai thác vàng trái phép ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn hoạt động công khai, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Bài 2. Vấn nạn "vàng tặc": "Không loại trừ việc chính quyền bao, phớt lờ”