Chưa kịp phục hồi và bù đắp lại những thiệt hại của đợt dịch cũ, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang bộn bề lo lắng về nhân lực, thị trường, về nguyên liệu cho đầu vào sản xuất, thậm chí chưa kịp điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, chính sách giá cả để cạnh tranh và thu hút khách hàng cũng như tìm kiếm các kế sách dự phòng cho những tình huống xấu... thì đợt dịch lần thứ 4 lại xuất hiện. Rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Khác với các đợt dịch trước chỉ tập trung một vài tỉnh, lần này “cơn bão” mang tên COVID-19 đã quét một vệt dài, đặc biệt là tại 19 tỉnh, thành phía Nam khiến khu vực này phải liên tục áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đã làm gián đoạn nhiều khâu quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này làm gia tăng gánh nặng trên đôi vai các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang ngày đêm nỗ lực, tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp, sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, xây dựng lộ trình đưa sản xuất quay trở lại đồng thời tránh các tình huống bị động do những tác động không thể dự đoán của dịch bệnh trong thời gian tới.
Bài 1: Doanh nghiệp cần “oxy” để vừa sản xuất, vừa chống dịch
Thành phố Hồ Chí Minh đã "chiến đấu" với dịch COVID-19 ròng rã 4 tháng qua, kể từ 30/4 đến nay và hiện đang bước vào giai đoạn tăng cường chống dịch từ ngày 23/8-6/9, cộng thêm các tỉnh phía Nam hiện cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 nên càng gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp.
Chưa bao giờ, doanh nghiệp lại phải lao đao vất vả với từng chuyến xe hàng, từng container về cảng như hiện nay…
Một “ổ khóa” phải dùng tới 4 chìa
Chị Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty Hồ tiêu Việt cho biết 11 giờ ngày 25/8, công ty phải chuyển lô hàng xuất khẩu ra cảng để lên tàu. Song công văn hướng dẫn không cụ thể với các đối tượng là doanh nghiệp nên cả hai ngày 23 và 24/8, ban lãnh đạo công ty đã rất lúng túng để có thể xoay sở vận chuyển nguyên liệu từ Củ Chi, Bình Phước về nhà máy tại Thủ Đức. Nguyên nhân do nhà cung cấp mới, dẫn đến chặng đường đi mới và công ty lại chưa kịp xin cấp mã QR code “luồng xanh” trong hai ngày cuối tuần.
“Đến tối ngày 24/8, công ty mới nhận được nguyên liệu và công nhân đã phải làm cả đêm cho kịp sáng ngày 25/8 có hàng chuyển đi. Trong trường hợp không chuẩn bị xong lô hàng, công ty sẽ phải trả thêm cước tàu vận chuyển rất cao cùng với chi phí đền hợp đồng,” bà Thương chia sẻ.
Sau những quá trình loay hoay đầy mệt mỏi để có thể vận chuyển được 9 tấn nguyên liệu về tới kho vào quá nửa đêm của ngày 24/8, bà Thương than thở: “Doanh nghiệp cũng rất cần ‘oxy’ để thở, có như vậy mới có thể bám trụ, vừa sản xuất vừa chống dịch trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng như hiện nay.”
Cũng trong tình cảnh tương tự, Công ty Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE) đang sản xuất mặt hàng gia vị (như gừng, ớt…) với thị trường tiêu thụ 90% xuất khẩu và 10% trong nước, song ông Trần Văn Hiếu-Giám đốc công ty, cũng than phiền việc vận chuyển hàng hóa là cực kỳ khó khăn. Hiện các đơn vị vận tải đều từ chối chuyên chở các tuyến từ những tỉnh phía Nam về Thành phố Hồ Chí Minh.
“Vì vậy, công ty không thể thu mua nguyên liệu tại các vùng trồng (như Long An, Tiền Giang) cho người nông dân. Trong khi đó, nguyên liệu tươi tới vụ bắt buộc phải thu hoạch, nếu không bán được, hàng tồn quá lâu sẽ bị hỏng, người nông dân sẽ phải đổ đi,” ông Hiếu buồn rầu nói.
Cực chẳng đã, ông Hiếu cho biết các đơn hàng của công ty đều phải chuyển ra miền Bắc sản xuất, nhưng cũng vì thế mà giá thành sản xuất mặt hàng gia vị bị “đội giá" (từ nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển, phí lưu kho do thời gian tồn hàng kéo dài…), dẫn đến giá bán sản phẩm tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh (như sản phẩm gừng tươi của Việt Nam so với các nhà cung cấp từ Nam Mỹ) trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh khó khăn lớn nhất trong bối cảnh dịch bệnh là khâu lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics (VLA) cho biết do nhiều yếu tố rằng buộc mà hiện có tình trạng “một ổ khóa phải dùng tới 4 chìa.”
“Cụ thể, điều kiện phòng dịch do Bộ Y tế quy định, Bộ Giao thông Vận tải lại cấp mã QR Code ‘luồng xanh,’ Bộ Công thương quy định hàng hóa thiết yếu, trong khi các địa phương lại có những điều kiện và phương pháp phòng dịch riêng,” ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, nhận định doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc không tiêu thụ được sản phẩm (bị ắc tách ở khâu lưu thông), thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giá nguyên liệu tăng cao… Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cũng không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trong khi lại phải phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền thuê đất cao và chính sách thay đổi.
Chưa kể, một số doanh nghiệp than phiền nhiều địa phương áp dụng thời gian hiệu lực của xét nghiệm COVID-19 khác nhau, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển. Ví dụ như 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ tuy tình hình dịch gần như nhau nhưng Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ cho phép hiệu lực giấy xét nghiệm là trong 72 giờ, trong khi An Giang chỉ có 24 giờ...
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nên năng suất hoạt động bị giảm do thiếu hụt nguồn công nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Một số nhà máy của doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch.
Tạm dừng để… tồn tại
Mặc dù Công ty Nông sản Bắc Cạn hoạt động sản xuất tại địa phương chưa xuất hiện ca nhiễm COVID-19, song việc tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc và xuất khẩu bị chững lại và khiến cho công ty đứng trước “bờ vực” của sự khó khăn.
Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc công ty, cho biết mặt hàng chính của công ty là các sản phẩm làm từ nghệ, song công ty đã tạm ngừng phân phối sản phẩm tại 25 tỉnh vì không bán được hàng (doanh số giảm khoảng 1/3 so với trước đây). Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, đối tác khó khăn về tài chính, nhiều tỉnh siết chặt về giao hàng. Bên cạnh đó, đối tác nhập khẩu đã ngừng mua hàng kể từ đầu năm tới nay do không chấp nhận chi phí cước vận chuyển quá cao (tăng hơn 10 lần).
Chính vì lẽ đó, bà Hương cho hay doanh nghiệp đang có hướng xin tạm dừng kinh doanh trong sáu tháng, do lượng hàng tồn kho quá lớn (5-6 tỷ đồng). Trước đó, doanh nghiệp đã dồn hết tiền vào sản xuất, nay không bán được hàng nên không có vốn xoay vòng. Hiện tại, công ty đang còn công nợ với người nông dân (cung cấp nghệ tươi) khoảng 500-600 triệu đồng.
“Công ty đang loay hoay vay với bài toán về vốn, song là doanh nghiệp siêu nhỏ lại không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng,” bà Hương nói.
Công ty của bà Hương chỉ là một ví dụ cho thấy thực trạng đáng buồn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành với gần 1.500 doanh nghiệp tại Hà Nội trong tháng Sáu cho thấy 57% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, 39% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 2,6% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể và 1,4% doanh nghiệp hoạt động tốt…
Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hầu hết các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có quy mô vốn rất hạn chế. Trong khi đó, bệnh dịch COVID-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp tồn tại bấp bênh hơn một năm rưỡi qua và thời điểm này, nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang đuối sức và áp lực rút ra khỏi thị trường là rất lớn.
“Điều này rất đáng tiếc, song dịch bệnh là nguyên nhân khách quan không thể tránh khỏi. Đợt dịch lần thứ tư là ‘cú bồi’ thêm vào thực trạng doanh nghiệp nhỏ vốn đã yếu ớt sau 3 đợt bùng phát trước đó. Giờ đây, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ là rất khó khăn do tiềm lực của họ hạn chế về mọi mặt,” ông Nam chỉ ra./.
Bài 2: Không thể để doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm