Để cung cấp và duy trì năng lượng cho các lò vòng công suất lớn, nhiều ông chủ tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã phải “cậy nhờ” quyền lực của một nhóm cán bộ chủ chốt của Công ty Điện lực Sóc Sơn với giá hàng trăm triệu đồng.
Bất chấp luật định cấm lập trạm biến áp, cấp điện cho các công trình sản xuất vật liệu xây dựng bằng đất nung, những nhân vật này đã dùng nhiều thủ thuật để “phù phép,” hóa không thành có, ngụy tạo hồ sơ.
Họ cũng là một mắt xích chủ chốt trong “đường dây đen” dung túng cho sự tồn tại phi pháp và ngang nhiên của những hệ thống lò vòng tiền tỷ.
"Lò gạch ma" đội lốt trang trại
Lò vòng dã chiến hay còn gọi là lò Hoffman được biết đến như một “công xưởng” sản xuất thu nhỏ với khả năng cho ra tới cả chục vạn gạch/ngày và không mất thời gian chờ đợi. Chính vì vậy, hệ thống này cần một nguồn điện lớn và ổn định để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, do đều được xây “chui”; cộng với việc hoạt động sản xuất gạch nung nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công thương quy định, nên việc lập các trạm cho các lò này là bất khả thi về mặt lý thuyết.
Mặc dù vậy, trên thực tế, những đường dây “phù phép” để có thể lập trạm, cấp điện vẫn đang hoạt động trong một thời gian dài.
Đào Văn Thanh, chủ lò vòng đang được thi công ở xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn tiết lộ rằng ông đã xây hẳn một trạm biến áp với công suất 630KVA để chuẩn bị sẵn cho quá trình sản xuất về sau với mức giá trên dưới 700 triệu đồng. Nhân vật đã đứng ra “thầu trọn gói” cho ông là một nhân vật tên Thắng, hiện đang công tác tại Công ty Điện lực Sóc Sơn (EVN Sóc Sơn).
Cuối tháng Một, qua sự giới thiệu của ông Thanh, chúng tôi chính thức “đặt vấn đề” với Thắng về nhu cầu xây một trạm biến áp với mục đích tương tự tại thôn Trầm Bậu, xã Bắc Sơn. Ngay lập tức, ông Thắng “bắt tín hiệu”, thậm chí còn mạnh dạn tự quảng cáo: Trước kia, ông nắm giữ một vị trí phó phòng của EVN Sóc Sơn, nhưng thời gian gần đây đã được luân chuyển về phụ trách một số xã.
Nói về thủ tục để “phù phép” cho việc cấp trạm biến áp cho lò gạch nung, nhân vật của EVN Sóc Sơn cho hay: Nếu xin cấp cho loại công trình này thì sẽ không thể được. Tuy nhiên, vấn đề chính là “hồ sơ giấy tờ trình lên phải đẹp”.
Giải thích thêm, ông Thắng “mách nước”: Nếu giấy phép kinh doanh cấp cho lô đất tại Trầm Bậu là để phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng thì “xóa mẹ từ lò gạch đi, photo lại, giấu cái từ lò gạch thôi, chỉ nói sản xuất thôi, còn sản xuất gì thì theo giấy phép kinh doanh mới. Giấy phép kinh doanh thì theo công ty.”
Ông Thắng dẫn chứng trường hợp của chủ lò Đào Văn Thanh. Để hợp thức hóa việc lập trạm, ông Thắng đã đứng ra lo liệu để “phù phép” từ đất sản xuất gạch thành sản xuất thức ăn chăn nuôi để trình lên Sở Công Thương công nhận.
Cuối tháng Hai, sau khi khảo sát thực địa, Thắng đưa ra mức giá hơn 500 triệu để lập trạm biến áp có công suất 630KVA đặt vị trí khu đất tại thôn Trầm Bậu.
“Giá của trạm vào khoảng hơn 500 triệu, nhưng để em về tính toán lại cụ thể. Đấy là em chỉ làm đến trạm, còn phần sau kéo dây dợ thì nếu cần em sẽ làm giúp, giá nhân công thế nào thì trả thế thôi. ” ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc gặp để “chốt mức giá” này, ông Thắng hướng dẫn cụ thể hơn quá trình để “lách luật” nhằm xin phép cấp điện cho lò gạch nung. Theo đó, vị cán bộ này gợi ý chúng tôi giao cho mình trọn gói, trong đó có cả khâu lấy giấy phép kinh doanh của công ty khác để đưa vào hồ sơ trình lên Sở Công thương nhằm hợp thức hóa thủ tục.
“Cái đấy có gì đâu, đây em làm đầy giấy phép kinh doanh, em còn chụp ảnh lại. Giấy phép kinh doanh của anh Thanh em cũng làm cho chứ ai làm. Nói chung là em làm trọn gói cho anh ấy, anh ấy chả phải đi làm cái gì, chỉ ngồi nhà ngồi chờ đóng điện,” ông Thắng nhấn mạnh.
Nói đoạn, Thắng mở điện thoại khoe ngay cho chúng tôi một văn bản Thắng đã “lo trọn gói” với nội dung Bổ sung công trình điện vào quy hoạch phát triển điện lực của hộ kinh doanh Đào Văn Thanh của Sở Công thương Hà Nội. Theo văn bản số 97/SCT-QLĐN cấp ngày 11/1/2016 trên, Sở Công thương Hà Nội đã xác nhận cấp trạm điện cho ông Thanh nhằm “phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” bất chấp thực tế vào thời điểm này, trên thửa đất rộng gần 5ha tại xã Bắc Phú ấy, công tác san gạt mặt bằng để thi công lò vòng đang diễn ra hết sức tấp nập.
Thắng khẳng định thêm: “Toàn bộ những cái này em làm hết.”
Thắng giải thích: “Trong hạng mục của nó đã quy định không được làm thì không thằng nào dám làm, nó chỉ lách cho anh vụ giấy phép sản xuất gạch không nung chẳng hạn, còn sau đấy việc anh làm như thế nào thì do mình.”
Tay to che trời
Tiếp tục vào vai chủ lò gạch đang có nhu cầu xây dựng trạm biến áp với công suất 630KW để phục vụ lò vòng, chúng tôi được Dũng “bộ đội”, chủ lò vòng khác tại xã Bắc Phú giới thiệu qua “cửa” của Giám đốc EVN Sóc Sơn, ông Nguyễn Quốc Thịnh. Sau khi nghe “khách hàng” trình bày, ông Thịnh đã giao lại toàn bộ cho ông Hải, người tự nhận là dưới quyền giám đốc và hiện nay đảm trách chức vụ Phó phòng Vật tư của EVN Sóc Sơn.
Sáng 3/3, theo lịch hẹn, chúng tôi dẫn ông Hải đi khảo sát vị trí đặt trạm để được ông này tư vấn, tính toán về mức giá cụ thể.
Ngay khi vừa lên xe, ông Hải đã liên tục hỏi chúng tôi về hiện trạng sản xuất kinh doanh tại khu vực lò, đồng thời không quên quảng cáo: “Anh thì làm nhiều, trên huyện này đa số anh làm hết ấy mà.”
Chúng tôi tiếp tục nhắc về chuyện lò Dũng Trang tại Bắc Phú mới được đóng điện, ông Hải nói ngay: “Lò của Dũng bộ đội ấy gì, anh làm đấy.”
“Thế mà Dũng bảo là bác Thịnh làm,” chúng tôi thắc mắc.
“Anh làm. Anh với bác Thịnh là một. Đúng rồi, hôm trước thằng Dũng nó cũng bảo sẽ giới thiệu cho một khách bên này,” ông Hải tiếp tục “về mặt kỹ thuật thì em cứ yên tâm, anh làm thì chuẩn.”
Nói đoạn, ông Hải giới thiệu sơ qua về quy trình để “lách” các quy định hiện hành: “Về điện thì bọn anh vẫn có thể đóng điện, nhưng quan trọng là em vẫn phải quan hệ với xã. Về hồ sơ đẹp mặt thì hôm qua anh đã trao đổi với đứa Sở Công thương (?) rồi vì anh cũng có quan hệ. Nó bảo chỉ cần vẽ ra cái biên bản xã xác nhận chỗ này không vướng hành lang lưới điện gì là làm được, thế thôi.”
Theo ông Hải, điều quan trọng nhất là ông sẽ “lo” các thủ tục, giấy tờ để xác nhận việc lập trạm biến áp của chúng tôi là phù hợp với quy hoạch điện năng. Ông cam kết: “Một là nó chưa có quy hoạch thì bổ sung quy hoạch, trước sau gì cũng được.”
Trong trường hợp chúng tôi không thể “quan hệ với xã” để xin giấy phép làm gạch, cũng giống như cách thức của Thắng, vị phó phòng của EVN Sóc Sơn tự tin mách nước chúng tôi nên “chuyển đổi mục đích đi, lập cái trang trại ở đấy. Trang trại thì xin cấp giấy phép đơn giản, làm thế thì nhàn, đỡ lằng nhằng.”
Sau khi nhiệt tình tư vấn, ông Hải đưa ra mức giá cụ thể để xây trạm biến áp: “Toàn bộ thủ tục trọn gói chìa khóa giao tay, nếu như không có hóa đơn chỗ đấy sẽ làm cho em khoảng 780 triệu . Có hóa đơn thì sẽ cao hơn chút vì bọn anh phải xử lý thuế sẽ là 870 triệu, thêm cho anh khoảng 90 triệu.”
Về mức chênh lệch này, ông Hải giải thích là để bôi trơn và làm cho chúng tôi| “cái thỏa thuận phù hợp quy hoạch phát triển điện lực với Sở Công Thương. Cái đấy nó không tính được, cũng rơi vào khoảng vài chục.”
Trong suốt buổi tiếp xúc, ông Hải liên tục nhấn mạnh vai trò của “sếp”, tức ông Giám đốc EVN Sóc Sơn-Nguyễn Quốc Thịnh: Rằng sở dĩ “việc Sở Công thương xác nhận phù hợp quy hoạch cho em là bởi vì chỗ này gần như sếp giao cho anh quan hệ dưới đấy” và toàn bộ việc lập trạm là công việc ngoài do công ty xây lắp riêng là sân sau của “sếp” thực hiện.
“Quan điểm của anh và bác Thịnh là khi làm cho bọn em cái trạm, vì bác Thịnh là giám đốc nên tất cả các thủ tục không bao giờ vướng mắc. Anh sẽ làm hồ sơ, em chỉ việc ký. Cái thứ hai là các thiết bị anh đưa vào đều là thiết bị chuẩn, bởi vì ngoài làm trạm, sau này bọn em lại mua điện của bọn anh nên nếu chất lượng không đảm bảo thì làm gì còn mặt gặp nhau. Chất lượng bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu vì bác Thịnh cũng vừa mới lên Giám đốc 1,2 năm nay,” ông Thắng nói.
Ông Hải cũng trấn an chúng tôi: Một khi ông đã trực tiếp đứng ra làm thì sẽ không có chuyện cơ quan chức năng về kiểm tra bởi “chúng nó tin anh.”
Cùng trong ngày 3/3, cả hai ông Thắng và Hải đều gửi cho chúng tôi bản báo giá sơ bộ để tính toán chi phí lập trạm biến áp 630KVA phục vụ cho việc sản xuất gạch nung.
Khẳng định của ông Hải không phải vô căn cứ vì trước đó, một đồng nghiệp của ông đã “chạy chọt và phù phép” để Sở Công thương Hà Nội ban hành văn bản số 97/SCT-QLĐN cấp ngày 11/1/2016 xác nhận cấp trạm điện cho ông Đào Văn Thanh nhằm “phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” bất chấp đang tiến hành xây lò vòng.
Dấu hiệu của việc ngụy tạo hồ sơ của một số cá nhân của EVN Sóc Sơn đã bắt đầu lộ diện. Nhưng bên cạnh đó, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của Sở Công thương Hà Nội khi họ vẫn “vô tư” ban hành các văn bản “phi thực tế” như trên.
VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc./.