Bài 2: Cứu hồ Hà Nội để bảo tồn di sản, bảo vệ tương lai

Hiện nay, nhiều hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng, một số hồ đã bị san lấp hoàn toàn, gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan đô thị và tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng.
Bài 2: Cứu hồ Hà Nội để bảo tồn di sản, bảo vệ tương lai ảnh 1Chung tay bảo vệ môi trường để có những không gian xanh như Hồ Gươm. (Ảnh: Vietnam+)

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hồ là một phần quan trọng của cảnh quan các đô thị lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hệ thống hồ ở Thủ đô đang chịu nhiều sức ép về môi trường. Nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng, một số hồ đã bị san lấp hoàn toàn, gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan đô thị và tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng.

Sông, hồ… "quặn đau"

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 112 ao, hồ, với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305 m2. Các hồ trên địa bàn Hà Nội không chỉ đóng vai trò điều hòa không khí, nước, chống ngập và tạo cảnh quan đô thị, mà còn là nét đặc trưng và có thể coi là di sản của Thủ đô.

Tuy nhiên, qua phân tích mẫu nước tại 30 hồ trọng điểm, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho biết, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động của con người như xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao hồ để nuôi cá, kinh doanh…

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cũng cho thấy, trong năm 2015, số lượng ao, hồ Hà Nội đã được kè toàn phần tăng lên và chất lượng vệ sinh ở các bờ hồ khá tốt; trong đó có 82% hồ đã kè toàn phần có bờ được đánh giá là sạch và khá sạch. Tuy nhiên, còn 14% chất lượng nước là bẩn và 4% rất bẩn.

Riêng với các ao hồ chỉ kè được một phần và chưa được kè, có đến 80% chất lượng nước bẩn, trong đó có 52% chất lượng nước rất bẩn.

Cụ thể, trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ), quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất. Đơn cử như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Ao Phủ, hồ Hố Mẻ.

[Hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia sự kiện “Ngày làm sạch hồ Hà Nội”]

Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho rằng, hồ là nét đặc trưng và có thể coi là di sản của Hà Nội. Không chỉ đóng vai trò điều hòa không khí, nước, chống ngập úng và tạo cảnh quan đô thị, hệ thống hồ Hà Nội còn là nét đặc trưng và có thể coi là di sản của thành phố với nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.

“Tuy nhiên, rất nhiều hồ tại Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan đô thị và tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng,” ông Dục nói.

Có chung nhận định, ông Trương Mạnh  Tiến-Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội cũng khẳng định, rất nhiều hồ tại Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, có những hồ đã bị san lấp hoàn toàn, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, nguồn nước.

Bài 2: Cứu hồ Hà Nội để bảo tồn di sản, bảo vệ tương lai ảnh 2Hồ Hoàng Cầu xuất hiện cá chêt vào một đầu tháng Tám. (Ảnh: Vietnam+)

Chung tay “cứu” sông, hồ

Vẫn theo ông Tiến, để góp phần “cứu” sông, hồ, trong những năm qua, Câu lạc bộ hồ Hà Nội và Hội Phụ nữ các phường trên địa bàn đã có nhiều việc làm thiết thực như thường xuyên tổ chức vệ sinh làm sạch quanh hồ vào các buổi cuối tuần để tạo dựng thói quen, nếp sống cho các cộng đồng quanh hồ. Nhờ đó, một số hồ đã được cải thiện như hồ Đền Lừ.

Tuy nhiên, để công tác này thành công, theo ông Tiến, cần sự vào cuộc tích cực hơn của toàn thể cộng đồng trong việc giám sát và ngăn ngừa ô nhiễm hồ và thủy vực. Cùng với đó là sự chung tay và hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp.

“Như sự kiện 'Ngày làm sạch hồ' Hà Nội sáng nay (17/9), có cái đặc biệt là chúng tôi đã lôi cuốn được đông đảo cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng tham gia. Đây là dấu hiệu hết sức lạc quan để bảo vệ môi trường, bảo vệ thủy vực và hồ Hà Nội.”

“Chúng tôi cũng hy vọng rằng, bằng những việc làm thiết thực của mình sẽ lan tỏa thông điệp ‘Bảo tồn di sản, bảo vệ tương lai: chung tay bảo vệ hồ Hà Nội’ tới mỗi công dân Thủ đô để cùng nhau hành động cho các hồ ở Hà Nội xanh hơn và sạch hơn,” ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở xây dựng cũng khẳng định, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã nỗ lực đầu tư và triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường các hồ, cả về chất lượng nước cũng như cảnh quan. Tuy nhiên, để công tác này thành công, cần sự vào cuộc tích cực hơn của toàn thể cộng đồng trong việc giám sát và ngăn ngừa ô nhiễm hồ.

Góp thêm tiếng nói từ góc độ đơn vị tổ chức sự kiện, ông ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cùng với nỗ lực của cộng đồng, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chung tay, góp nguồn lực vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Thấm nhuần tinh thần đó, từ đầu năm 2015, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (bao gồm các công ty trong nước và nước ngoài) đã lên kế hoạch, phối hợp với các cấp chính quyền, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường.

“Ngày làm sạch hồ Hà Nội" là sự kiện đầu tiên trong hàng chuỗi các sự kiện mà Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam sẽ huy động nguồn lực từ các hội viên của mình để triển khai. Mặc dù, hôm nay mới có 4 doanh nghiệp tham gia, nhưng các sự kiện sau chúng tôi sẽ cố gắng huy động hàng chục, hàng trăm doanh,” ông Vinh nói.

Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng lưu ý, sự kiện "Ngày làm sạch hồ Hà Nội" mới là chỉ là “bước đi” đầu tiên trong công tác bảo vệ hồ Hà Nội. Tuy nhiên, sự kiện đã có tác động lớn trong việc nâng cao ý thức của từng người dân, từng tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bàn với Ủy ban nhân dân thành phố, đặc biệt là huy động các doanh nghiệp đối tác để có thể mở rộng các kế hoạch bảo vệ môi trường như làm sạch hai bên bờ sông Hồng, làm sạch những khu rừng của Thủ đô,” ông Vinh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục