Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng

Bài 2: Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng

Dự án du lịch cộng đồng ở Đà Bắc là thách thức không nhỏ đối với AFAP và bà con địa phương vì đây là dự án hoàn toàn mới, lại thí điểm ở một địa danh xa lạ trên bản đồ du lịch đối với du khách.
Bài 2: Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng ảnh 1Trên dòng Đà giang non nước hữu tình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bắt đầu từ khoảng tháng 8/2014, Quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) hỗ trợ 50% kinh phí cho bốn homestay ở hai xã Hiền Lương và xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) thí điểm, mở các lớp tập huấn cho người dân địa phương. Từ chỗ còn bỡ ngỡ chưa hiểu biết gì về làm du lịch, đến nay bà con đã nắm được các kỹ năng và sẵn sàng đón khách.

Đà Bắc: Sợi dây kết nối

Toàn bộ địa giới hai xã Hiền Lương, Tiền Phong đều nằm trong khuôn viên lòng hồ, nên có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái lòng hồ và du lịch văn hóa, lịch sử… cũng như thế mạnh về phát triển kinh tế thủy sản. Đó là những lý do AFAP, sau khi mời chuyên gia về tiến hành khảo sát đã quyết định hỗ trợ người dân nơi đây kinh phí để cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, khai thác mô hình du lịch homestay.

Không chỉ có lợi thế kết hợp các yếu tố tự nhiên giữa đường thủy và đường bộ giữa hai xã mà cung đường còn toát lên toàn bộ cảnh đẹp và đời sống sinh hoạt điển hình, độc đáo của cư dân các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái… sống trong khu vực lòng hồ.

Hơn nữa, từ mỗi điểm lại có thể kết nối với hai điểm du lịch lân cận đã có du khách đến thường xuyên là hai huyện Mai Châu và Kỳ Sơn, giúp phát triển cụm du lịch cộng đồng Kỳ Sơn-Đà Bắc-Mai Châu để tạo thành điểm nhấn cho ngành du lịch Hòa Bình trong tương lai.

Với những lợi thế đó, dự án đã đầu tư cho 04 hộ dân với sức chứa tối đa 12 khách/hộ/đêm. Số vốn 50% AFAP hỗ trợ được hiểu là kinh phí cho vay không tính lãi trong hai năm (7/2014-7/2016). Sau đó, khi có lợi nhuận, mỗi hộ sẽ “trả nợ” bằng hình thức trích 30% từ lợi nhuận hàng tháng (20% dùng để quay vòng đầu tư cho hộ dân khác và 10% dùng duy trì hoạt động quỹ du lịch cộng đồng Đà Bắc).

Bài 2: Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng ảnh 2Thăm quan bè cá nuôi trên lòng hồ ở xóm Ké, xã Hiền Lương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Chuyên gia tư vấn du lịch cộng đồng của AFAP, ông Vũ Quang Tuyển cho biết, AFAP hỗ trợ các hộ dân dưới hai hình thức: hỗ trợ vốn để cải tạo, nâng cấp một số nhà sàn thành nhà homestay; tập huấn cho các hộ gia đình về năng lực ngoại ngữ, kỹ năng nấu nướng và các kỹ năng phục vụ khách du lịch khác.

“Ngoài việc tổ chức cho các hộ gia đình đến thăm quan, học hỏi tại những mô hình du lịch cộng đồng thành công ở Mai Châu, Sapa..., dự án AFAP cũng hỗ trợ thành lập các tổ nhóm phục vụ du lịch như: nhóm ẩm thực, nhóm hướng dẫn đón tiếp và nhóm dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách,” ông Tuyển cho hay.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Dự án du lịch cộng đồng ở Đà Bắc là thách thức không nhỏ đối với AFAP và bà con địa phương vì đây là dự án hoàn toàn mới, lại thí điểm ở một địa danh lạ trên bản đồ du lịch đối với du khách.

Gia đình Đinh Văn Ngọc (Ngọc Nhềm Homestay) mặc dù được hỗ trợ 125 triệu đồng; được hướng dẫn cách trang trí phòng ở, nhà vệ sinh, bếp, cách nấu đồ ăn… theo tiêu chuẩn; được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc điểm tâm lý du khách, học cách đón tiếp khách, cách hạch toán… nhưng cho biết vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

“Tôi và các thành viên trong gia đình lần đầu làm du lịch homestay nên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa sử dụng thành thạo phương tiện thông tin để quảng bá rộng rãi tới khách du lịch, về phương tiện vận chuyển thì chưa có thuyền lớn để đưa khách đi lại. Trong tương lai, tôi rất mong muốn có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và được học tiếng Anh để có thể giao tiếp với khách nước ngoài…,” anh Đinh Văn Ngọc, homestay Ngọc Nhềm ở xóm Đá Bia, xã Tiền Phong bày tỏ nguyện vọng.

Bài 2: Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng ảnh 3Cuốn sổ lưu bút dành cho du khách ở Ngọc Nhềm homestay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Khó khăn chủ yếu không chỉ về mặt nhân lực, theo chuyên gia tư vấn của AFAP Vũ Quang Tuyển, do vào hai xã không có đường nhựa to và hiện quy mô mỗi hộ chỉ có 12 đệm nên những đoàn khách lớn sẽ không vào được. Nguồn cung thực phẩm ở địa phương ngoài cá sông, lợn bản ra cũng không có nhiều lựa chọn. Đặc biệt, do là điểm du lịch mới nên Đà Bắc sẽ cần nhiều thời gian để kéo khách tới…

Âu cũng là “vạn sự khởi đầu nan,” Đà Bắc đang có cơ hội giúp bà con biến những tiềm năng vốn có thành nguồn thu nhập ổn định. Nếu mô hình du lịch cộng đồng này triển khai thành công, dự án sẽ tạo ra những cơ hội mới phát triển bền vững cho người dân, giúp cải thiện đời sống và góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa, tự nhiên của địa phương./.

Quỹ Australia vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 và là tổ chức phi chính phủ Australia đầu tiên được chính phủ Việt Nam cho phép mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 1996. Ở Việt Nam, AFAP được biết tới như một tổ chức tiên phong thực hiện các chương trình kiểm soát sinh học dựa vào cộng đồng phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Trong hơn 20 năm qua, AFAP đã tích cực phối hợp với các đối tác để thực hiện các chương trình phát triển tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, nước sạch, an toàn thực phẩm, giáo dục, tài chính vi mô, vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro do thiên tai, quản trị, giám sát xã hội và du lịch cộng đồng. Đến nay, AFAP đã hỗ trợ hàng vạn người nghèo thông qua 30 dự án lớn trên 20 tỉnh thành với tổng ngân sách hơn 30 triệu USD.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục