Theo các chuyên gia, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm trong năm 2021. Bởi hiện nay, tăng vốn là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, nhất là quy định về an toàn vốn tối thiểu.
Vì thế, ngay cả với những ngân hàng đã tăng vốn thành công thì vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược, bởi ngân hàng vốn mỏng có thể đứng trước nguy cơ mất thanh khoản. Bên cạch đó, hạn mức tín dụng cơ quan quản lý giao cho các ngân hàng được xác định trên vốn tự có, những ngân hàng nào vốn tự có càng cao thì “room” tín dụng sẽ càng rộng mở.
Có an toàn mới được tăng trưởng
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao tại một số ngân hàng tư nhân đã giúp họ rộng cửa trong việc đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) nhưng ở nhóm ngân hàng quốc doanh, áp lực tăng vốn vẫn còn hiện hữu đáng kể.
Do không được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ trong nhiều năm, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn của nhóm Big 4 đều suy giảm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
[Bài 1: Tăng vốn “chiếm sóng” đại hội đồng cổ đông ngân hàng]
Mặc dù ở kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí bổ sung tối đa 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank và hiện tổng vốn điều lệ của ngân hàng này đang ở mức 35.000 tỷ đồng, thế nhưng theo lãnh đạo Agribank, dù được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng thì sau khi phân phối lợi nhuận năm 2019 theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tỷ lệ an toàn vốn CAR của ngân hàng này chỉ còn 8,6% (nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 6%), thấp hơn mức quy định tối thiểu 9%. Vì thế, dù được tăng vốn, Agribank vẫn không đạt hệ số tối thiểu về an toàn vốn, phải co hẹp tín dụng vào năm 2021.
Vì vậy, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, kiến nghị: “Trước mắt, chúng tôi mong muốn được Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp khẩn cấp là hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có như vậy, Agribank mới được tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.”
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng duy trì được thị phần, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước để đảm bảo hệ số an toàn vốn. Việc tăng vốn điều lệ này cần được xây dựng thành đề án cho ít nhất 5 năm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tránh bị động.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và VietinBank, phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu đã rộng mở hơn khi Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, trong đó mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sang cả lĩnh vực ngân hàng. Điển hình là Vietcombank đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ khoảng 6,5% vốn điều lệ trong năm nay, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỷ đồng.
VietinBank dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8% trong năm 2021, đưa vốn điều lệ tăng lên 47.953 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với các ngân hàng này, việc đạt chuẩn CAR mới là điều đáng lo lắng và nguy cơ hụt vốn là rất lớn. Dù việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được gỡ vướng bằng Nghị định số 121/NĐ-CP, song các ngân hàng này vẫn phải tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để được phê duyệt.
Riêng VietinBank, hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước đã dưới ngưỡng tối thiểu, do đó ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: “Căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của Basel II, yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn như tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65% và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%.”
Đảm bảo vai trò "bà đỡ" cho nền kinh tế
Hiện đã có trên 20 ngân hàng thương mại đang triển khai Basel II, trong đó có 12 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn. Một vài ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị để hướng tới Basel III.
Dù vậy, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn này, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Khối ngân hàng này có hệ số an toàn vốn chỉ ở mức 8-9%, tức là chật vật hơn so với khối ngân hàng hàng thương mại cổ phần tư nhân, ở mức trên 10%. Chính điều này đã đặt ra áp lực tăng vốn không nhỏ đối với 4 ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước - hiện đang cung ứng tới gần 50% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
[Lành mạnh hệ thống, các ngân hàng tiến tới chuẩn mực Basel III]
Theo Chủ tịch VietinBank, những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai. Hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có, do đó không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, với hệ số CAR như hiện tại thì Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm.
Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Linh - Viện Ngân hàng-Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, khi hệ số CAR của ngân hàng thấp hơn quy định của Basel II thì các ngân hàng sẽ phải hạn chế, thậm chí có thể phải ngừng cấp tín dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt khi hiện tại 97% các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, khó có thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, nên việc phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng.
“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp tăng cao kéo theo tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm quy mô vốn của ngân hàng. Vì vậy, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với việc suy giảm các hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp ngân hàng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc. Do đó, nếu bài toán về tăng vốn của các ngân hàng không được giải quyết hiệu quả sẽ có thể dẫn đến suy thoái kép cho nền kinh tế, vì khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu trở lại, nền kinh tế của chúng ta sẽ không có được sự hỗ trợ cần thiết từ hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng,” bà Linh nhấn mạnh.
Song, theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, với triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong năm 2021 cùng với việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực sẽ là những nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển của các ngân hàng trong năm 2021./.