Đã có một thời, đi đến đâu cũng có thể thấy những khẩu hiệu như “HIV/AIDS là đại dịch của toàn nhân loại,” “HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ,” HIV/AIDS không có thuốc chữa… và hiển nhiên người dân ai cũng khiếp sợ với căn bệnh này.
Nỗi khiếp sợ trước một căn bệnh không có thuốc chữa là chính đáng, thế nhưng nếu nỗi khiếp sợ ấy đẩy những đứa trẻ vô tội vào một cuộc sống tối tăm, bị đánh đập, bị ghẻ lạnh, bị cô lập… thì nỗi sợ hãi ấy đang giết chết tình người.
Những đứa trẻ có HIV và mất bố mẹ vì HIV có lẽ giống như “đoá hoa không Mặt Trời, trẻ thơ không nụ cười”. Những đứa trẻ ấy không chỉ mất đi người chăm sóc, che chở mà còn mất đi cơ hội được đối xử bình thường như những đứa trẻ khác.
Như bao đứa trẻ có HIV tôi được gặp, L.T.R (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), một bé gái mồ côi cha mẹ vì HIV toát lên một vẻ mạnh mẽ, kiên cường thậm chí khá lỳ lợm. Thế nhưng khác với vẻ lạnh lùng ban đầu, chỉ sau vài câu hỏi han, R bất ngờ yếu đuối òa khóc ấm ức như một đứa trẻ thơ khiến tôi ngỡ ngàng.
R bình thản khi được hỏi em có khỏe không, đi đường có mệt không nhưng bỗng bật khóc nức nở khi trả lời câu hỏi “Tại sao con lại nghỉ học?” R khóc và nói không thành tiếng rằng em bị cô giáo không cho vào lớp bắt ngồi ngoài, bị cô giáo mắng, cô giáo đánh. R nói em sợ lắm!
Trong suốt cuộc nói chuyện, người bà đứng bên cạnh em cũng thương cháu mà nước mắt rơi lã chã. Người bà già yếu thương em vô cùng nhưng cũng bất lực. Bà sợ cháu bà không được đi học, nhưng bà còn sợ cháu bà đến lớp bị đánh, bị chửi, bị kỳ thị hơn cả nỗi sợ không biết chữ.
Ở trường đã vậy, ở làng bản mọi người cũng xa lánh em. Những ngày mới nghỉ học, R ở nhà giúp ông bà, cậu mợ chăn trâu nhưng không ai cho con đi chăn trâu cùng R, em lầm lũi làm gì cũng một mình, trong khi các bạn đi học thì em chỉ loanh quanh làm việc ở nhà. Dần dần năm tháng qua đi, trẻ em trong làng không xa láng nhưng cũng không quá thân thiết với em. R vẫn không có đủ dũng cảm để quay trở lại lớp học.
Một đứa trẻ phải bị kỳ thị đến mức nào mới sợ hãi như vậy? Ở một nơi xa xôi như thế, nỗi sợ hãi “căn bệnh thế kỷ” đã dồn hết lên một đứa trẻ thơ không thể và không biết làm thể nào để tự bảo vệ chính mình ngoài cách bỏ chạy khỏi lớp học, khỏi bạn bè và trốn không tiếp xúc với xã hội để tránh những tổn thương tâm lý.
Nghèo đói càng khiến người ta sợ bệnh tật hơn và sự sợ hãi ăn sâu là tâm trí những người dân ở đây. Những đứa trẻ sinh ra đã bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ tất nhiên trở thành những đối tượng bị kỳ thị nhiều nhất vì chúng không tự bảo vệ được mình như người lớn, chúng không thể đi làm ăn xa để trốn tránh, thậm chí có những đưa mất cả bố và mẹ vì HIV/AIDS phải sống với ông bà, họ hàng.
Câu chuyện của R không phải điều đáng buồn nhất tôi được nghe về những đứa trẻ có HIV ở Sơn La. Chị H, đồng đẳng viên câu lạc bộ những người có HIV kể rằng có những đứa trẻ ở với chú thím nhưng họ sợ lây bệnh dựng lán trên nương cho ở riêng để chăn trâu, trông nương, hàng ngày người nhà mang cơm lên cho em.
Vậy là có một sự thật đau lòng rằng những đứa trẻ mất cha mẹ vì HIV kia nếu còn ông còn bà thì sẽ may mắn vẫn được sống cùng gia đình, nhưng vẫn có những đứa trẻ ngoài kia một mình bơ vơ sợ hãi với bệnh tật, tủi hờn vì bị kỳ thị, xa lánh. Có lẽ, không chỉ căn bệnh HIV/AIDS đang giết chết em từng ngày, mà chính thái độ của người thân, của cộng đồng mới là điều đang khiến em yếu đi từng ngày.
Khi R khóc, tất cả những người lớn xung quanh đều bất ngờ và im lặng. Có cả những người dân cùng xã ở đó và không biết những người lớn ngoài thương xót có cảm thấy bớt sợ hãi để bảo vệ đứa trẻ thơ này không? Hay nỗi sợ những đứa trẻ vô tình lây nhiễm HIV cho nhau vẫn quá lớn? Vậy thì trách nhiệm bảo vệ những đứa trẻ nhiễm HIV như R sẽ là của ai?
Phải chăng, đã đến lúc cần phải hỗ trợ trẻ em có HIV trong cuộc chiến chống bệnh tật, mang lại cho chúng niềm vui và sự an ủi tinh thần, cố gắng để trẻ có thể hạnh phúc trong mỗi phút giây các em sống trên cõi đời này? Để những đứa trẻ như R không phải mang bộ mặt lỳ lợm khi tiếp xúc với mọi người, mà được tươi cười hớn hở như trẻ thơ vốn thế./.
Trong một câu chuyện khác về số phận những người có HIV, vẫn là sự kỳ thị nhưng như chị nói "bản thân mình phải không kỳ thị chính mình," sự kỳ thị lại chính là động lực để chị ầm thầm sống tiếp, chứng minh rằng những người có HIV vẫn có thể sống có ích cho cộng đồng, xã hội. Câu chuyện của chị không chỉ về tấm gương vượt lên số phận của một người có HIV mà còn là về tình mẫu tử thiêng liêng.
Bài 3: 12 năm sống với HIV của người phụ nữ như bông sen nở trong bùn lầy