Bài 2: Quy hoạch đê điều tại Hà Nội cần làm dài hạn

Quy hoạch hệ thống đê điều ở Hà Nội cần làm dài hạn kết hợp với quy hoạch đô thị để có phương án lâu dài và không mâu thuẫn.
Bài 2: Quy hoạch đê điều tại Hà Nội cần làm dài hạn ảnh 1Khai thác cát ven sông Hồng đe dọa an toàn đê điều. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Tại hội nghị góp ý kiến vào tờ trình quy hoạch đê điều thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trong Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa qua, nhiều ý kiến nêu bật sự cần thiết cũng như những vấn đề đặt ra trong quy hoạch hệ thống đê điều Hà Nội.

Ông Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đặt câu hỏi: “Chúng ta thử tưởng tượng, sau 50 năm nữa dân cư của Hà Nội ngoài bãi sẽ như thế nào? Cứ sống nhem nhuốc? Chúng ta đang nghèo và trong vòng luẩn quẩn chỉ nghĩ chuyện trước mắt, làm vài ba năm, rồi lại phá, vậy bao giờ phát triển được. Có đất nước nào đã phát triển có dân sống ven sông, không an toàn như chúng ta không? Có đê nào ở thành phố mà không kè vĩnh cửu không?”

Do đó, quy hoạch hệ thống đê điều ở Hà Nội cần làm dài hạn kết hợp với quy hoạch đô thị để có phương án lâu dài và không mâu thuẫn với nhau, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển, có các hệ thống công trình đồng bộ. Đê bảo vệ Hà Nội phải vững bền, mang tính lâu dài. Nếu chưa có điều kiện làm thì không nên làm đê bao.

Theo quy định đê bao phải để lũ trên báo động II tràn vào, nhưng thực tế không có đê bao nào dọc sông Hồng lũ có thể tràn vào do dân cứ đắp đần lên và luôn sống trong tình trạng không an toàn.

Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều phòng chống lụt bão Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ những vấn đề cần phải được tính toán kỹ lưỡng trong quy hoạch đê điều.

Cụ thể, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội là đoạn sông quyết định hình thái diễn biến và phát triển đến toàn bộ hệ thống sông Hồng, tác động đến toàn đồng bằng sông Hồng; chứa đựng nhiều điểm huyệt quyết định đến hình thái diễn biến của luồng lạch.

Vì vậy quy hoạch đê điều Hà Nội phải nằm trong thể thống nhất và toàn diện của vấn đề chính trị sông Hồng ở đoạn huyết mạch này để giữ vững chức năng ổn định lâu dài thể sông của Hà Nội, duy trì sức sống của toàn bộ dòng sông mà các tỉnh thành khác phải tuân thủ.

Ông Niên nhấn mạnh, mấy năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn buông lỏng chức năng quản lý thống nhất hệ thống đê điều nên nhiều tỉnh, thành nâng cấp đê vượt quy hoạch thống nhất của đê điều theo luật định dẫn đến hệ thống đê của Hà Nội trở nên đáng lo ngại.

Nhiều thế hệ lãnh đạo Hà Nội vài nhiệm kỳ gần đây chưa hề có thử thách ứng phó với lũ sông Hồng, chưa biết sợ lũ.

Theo quy luật và nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và đặc biệt là việc khai thác sông Hồng phía Trung Quốc (51 nhà máy thủy điện) thì lũ đặc biệt lớn vẫn có khả năng xuất hiện trên sông Hồng.

Theo ông Niên, quy hoạch đê điều theo tờ trình nổi lên 2 vấn đề, về chất lượng đê cần đánh giá thận trọng hơn vì ẩn họa trong đê là rất phức tạp, khó lường.

Vấn đề duy trì sửa chữa đê điều, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực và khả năng ứng phó nhanh, hiện đại bộ máy quản lý đê chưa được đặt đúng tầm cả về phương án, đầu tư và tổ chức.

Đây là công việc hệ trọng cả trong chỉ đạo và đầu tư chưa được đặt đúng tầm và cần có nghiên cứu kỹ, phải là nội dung chính của kế hoạch.

Về nhiệm vụ giao thông của hệ thống đê, ông Niên cho rằng, ngành đê điều tự làm quy hoạch giao thông vừa không đúng chức năng vừa đặt ra một chủ trương đầu tư quá lớn mà mục tiêu thì mơ hồ.

Ông Niên nói: “Tôi đã quan sát trong hai giờ trên tuyến đê mới được mở rộng đến bốn làn xe ở Sen Chiều (Sơn Tây). Đê to, đường đẹp nhưng dưới nền đê ở đây vẫn là điều yếu nhất trong phòng chống lụt và buồn thay chỉ có vài chiếc xe tải, vài chiếc công nông đi ngược xuôi, thậm chí xe chúng tôi đi sai làn đường cũng không gặp trở ngại gì.

Vấn đề này Hội đồng Nhân dân cần bàn kỹ vì khi mở rộng đê bao phải tốn hàng chục nghìn tỷ đồng trong khi Hà Nội vẫn chưa có tiền để làm một cái cầu nhỏ vượt qua sông Nhuệ cho học sinh đi học.”

Trong Luật Đê điều, việc đi lại trên đê trong mùa lũ là phải có giấy phép đặc biệt. Ở Mỹ, Hà Lan mặt đê tráng nhựa rất đẹp nhưng cũng chỉ là đường chuyên dùng. Còn ở Hà Nội, tất cả các mặt đê đều có chiều rộng 6-7m lại được cứng hóa về cơ bản phù hợp với yêu cầu giao thông nông thôn và cả đô thị ngoại thành.

Ông Niên lưu ý, việc nâng đê Vân Cốc lên cấp I chứng tỏ chúng ta quên mất nhiệm vụ công trình phân lũ sông Đáy với mức phân lũ 2.500m3/s. Đây là “cầu chì” duy nhất để xử lý tình thế khi lũ lớn phải bảo vệ nội đô.

Ông Niên cũng đề nghị, bản quy hoạch cũng cần quan tâm đến việc bảo trì các tuyến đê khu vực Ba Đình và lăng Bác.

“Tóm lại, bản quy hoạch trình không tập trung vào chức năng sống còn là đảm bảo an toàn chống lũ, trong khi vấn đề chất lượng đê điều, đảm bảo luật đê điều mới là điều trọng tâm, giao thông không phải chủ đề của quy hoạch đê điều, nhất là quy hoạch đó lại không phải do chuyên ngành giao thông đề xuất,” - ông Niên nhấn mạnh.

Nhất trí với đề nghị của ông Nguyễn Ty Niên, PGS.TS Khổng Doãn Điền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cơ học Hà Nội cũng cho rằng, kết hợp đường giao thông trên đê theo nguyên tắc ''mặt đê dùng cho xe con và xe tải nhẹ, còn xe tải nặng và xe khách lớn thì đi dưới cơ đê.'' Nguyên tắc này phải được tuân thủ nghiêm ngặt và có kiểm soát thường xuyên, đặc biệt vào mùa lũ.

PGS.TS Khổng Doãn Điền cũng đặc biệt lưu ý việc xử lý các vi phạm Pháp lệnh Đê điều hiện nay còn nhiều bất cập. Đây là vấn đề thuộc về an ninh quốc gia, thành phố cần kiến nghị với Quốc hội đưa những vi phạm loại này vào Luật để xử lý hình sự mới giải quyết triệt để được tình trạng vi phạm Pháp lệnh Đê điều./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục