Người đàn ông gầy rộc vẫn chong chong thức dù đã quá nửa đêm. Ngay bên cạnh, bé Loan lại trằn trọc trở mình vì vết đau ở chân trái. Nén lại một tiếng thở dài, anh khe khẽ vỗ về, mong bé yên giấc.
Trong suốt hành trình 12 năm qua, anh vẫn luôn thao thức cùng nỗi đau của con như vậy.
Đi nhờ trên đôi chân bố mẹ
Da xạm màu, tóc lốm đốm vài sợi bạc, trông anh Nguyễn Công Đức già hơn nhiều so với cái tuổi 38 của mình. Từ khi bé Loan mắc bệnh, anh Đức cùng vợ bất đắc dĩ đã phải trở thành đôi chân của con. Vừa cẩn thận kéo lại tấm chăn đắp cho Loan, anh vừa nhớ lại: Ngày bé được 20 ngày tuổi, phần chân trái của em bỗng phình to ra, sưng mọng nước.
“Khi ấy, hai vợ chồng tôi hoảng lắm, ngay trong đêm vội vàng ôm con lội bộ ra đường cái, bắt xe đưa cháu đi khám,” người đàn ông xoa xoa hai tay vào nhau ngậm ngùi.
Giữa đêm ấy, cặp vợ chồng nghèo ở xã Tân Văn cuống cuồng đem đứa lớn đi gửi rồi lấn bấn dắt tiền, xách túi ôm con đi. Phía bên ngoài mưa gió ràn rạt. Ba người liêu xiêu bồng bế nhau, cắt hơn 2 cây số băng rừng ra quốc lộ tìm xe khách. Họ không bao giờ ngờ được, đây cũng là chuyến xe bắt đầu cho hành trình kéo dài đến 12 năm để giữ lại chân trái cho con.
Giờ nhớ lại, anh Đức vẫn bần thần. Đôi mắt đỏ vằn trở nên hoang dại, cứ ngó đăm đăm vào một khoảng không vô tận. Anh bảo: Cả đời anh cũng sẽ không bao giờ quên được những ngày cõng đứa con gái bé bỏng bất hạnh đến lớp, những khi hoảng sợ cực độ, bồng con trên tay đi cấp cứu lúc vết đau ứa máu… Tất cả như những thước phim, loang loáng ám ảnh người đàn ông khắc khổ những khi đêm về.
Mẹ Loan, chị Nguyễn Thị Tám thì nức nở khi nghĩ về hành trình trở thành “đôi chân” cho bé. Chị bảo, khi bệnh tình của Loan chưa trở nặng, em vẫn cố tập đi. Nhưng chỉ lết được vài bước là toàn bộ chân trái trở nên căng cứng. Máu dồn xuống tím tái. Bé khóc. Chị Tám cũng ngân ngấn theo.
Trong suốt những năm đầu tiên, chị Tám và anh Đức thay nhau cõng con đi khám, đi học bất kể nắng hay mưa. Có những buổi, vết đau ở chân trái của Loan bật máu, thầm đầm đìa ướt hết lưng áo anh chị.
Đến năm 8 tuổi, phần chân bị bệnh ngày càng trở nên to hơn, chiếm đến hơn 2/3 trọng lượng toàn cơ thể bé. Lúc này, Loan đã hầu như không thể tự di chuyển. Toàn bộ việc đi lại phụ thuộc hoàn toàn vào đôi chân mỗi lúc một yếu đi của cha mẹ.
Kể đến đây, anh Đức ngước lên nhìn nhóm khách lạ thở dài: “Lắm khi, ngủ mơ, tôi lại thấy cảnh Loan chạy nhảy. Hai vợ chồng chỉ mong đến ngày không còn phải cảnh bố cõng con đi khắp nơi như bây giờ nữa.”
Phòng bệnh bỗng lặng phắc. Không ai nói với ai câu nào. Chỉ còn tiếng thở khó nhọc, lúc gấp, lúc khoan của cô bé con đang thiêm thiếp cùng chiếc chân trái sưng vù ngay bên cạnh…
Quyết giữ chân con bằng mọi giá
12 năm thay nhau làm đôi chân cho con, chị Tám và anh Đức chưa một ngày từ bỏ hy vọng cháu sẽ điều trị bệnh thành công. Năm này sang năm khác, họ đã gõ cửa mọi nơi có thể, hết Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh… Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình nhỏ bé ấy.
Lẩm nhẩm kiểm đếm lại, anh Đức bảo: Tính ra, nhà có cái gì bán được anh chị cũng bán sạch cả rồi. Từ mảnh đất ông bà để lại ngoài Bắc tới đồ đạc trong nhà, ruộng vườn… lần lượt nối đuôi nhau đi hết.
“Thời gian đầu khó khăn lắm. Chúng tôi buộc phải gửi cháu lớn cho anh chị ở Lâm Đồng rồi dắt díu đưa con xuống điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh,” anh Đức nhớ lại.
Để kiếm thêm đồng ra đồng vào trong quãng thời gian con chữa bệnh, anh đã lang thang khắp đất Sài Gòn kiếm việc. Anh được nhận làm thợ xây tít tận khu Đầm Sen và được chủ nuôi cơm. Toàn bộ số tiền công ít ỏi được anh gửi vợ để lo cho Loan. Ngày ngày, sau giờ làm, anh lại bắt xe buýt vào viện thăm con.
Từ lúc Loan phát bệnh, anh đã làm đủ thứ nghề. Hết phụ hồ, đào giếng, Đức lại làm công nhân mía đường, phun thuốc sâu thuê… Ai mướn gì anh cũng nhận. Giơ bàn tay trái sần sùi sẹo đã khuyết mất một ngón, ông bố kể: Trong một lần tăng ca khi ép mía, máy ép bị kẹt nên Đức dùng tay kiểm tra và bị cuốn vào.
“May mà chỉ mất một ngón,” anh cười như mếu nói.
Cũng giống như chồng, trong 12 năm Loan mắc bệnh, chị Tám đã vắt kiệt sức mình trong hy vọng chữa lành cho con. Những ngày Loan không phải điều trị, chị cũng nhận thêm việc để làm. Ngày ngày, cặp vợ chồng nghèo để lại hai đứa trẻ ở nhà tự trông nhau để lao vào cuộc mưu sinh vất vả.
Thế nhưng, bất chấp từng ấy nỗ lực của họ, bệnh tình của cô bé chân voi mỗi lúc một nặng hơn. Tiền như gió thổi vào nhà trống. Nợ nần bắt đầu chất chồng lên. Nhưng tất cả vẫn không đánh gục được anh chị. Chỉ duy nhất một lần, khi các bác sỹ chuẩn đoán phải cưa chân Loan họ mới thực sự suy sụp.
Mắt đã đỏ hoe, anh Đức nghèn nghẹn kể: Năm 2015, sau rất nhiều lần phẫu thuật không thành công, chân trái của Loan chuyển biến xấu. Thịt từ bên trong cứ không ngừng đùn ra, máu và mủ đầm đìa. Một số bộ phận khác như trực tràng, lá lách… cũng bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc này, tất cả các bệnh viện tuyến trên đều lắc đầu, từ chối tiếp tục mổ. Họ khuyên anh chị nên chọn giải pháp cưa chân để giữ tính mạng cho bé.
Nghe những lời ấy, chị Tám ngất lên ngất xuống. Bé Loan cũng hoảng sợ, ngằn ngặt khóc. Người đàn ông duy nhất trong gia đình bất hạnh ấy cũng không sao giữ nổi bình tĩnh. Tai anh như ù cả đi...
“Khi ấy, tôi chỉ ước người phải cưa chân là tôi chứ không phải cháu,” anh Đức vẫn còn run run nhớ lại.
Nhưng với quyết tâm giữ đôi chân cho con tới cùng, anh chị lại khẩn khoản nhờ các bác sỹ “còn nước còn tát.” Họ tiếp tục gõ cửa từng nơi với hy vọng sẽ có người điều trị được chứng bệnh quái ác ấy.
Đến tận bây giờ, ngồi kể cho chúng tôi hành trình dài dằng dặc 12 năm ấy, anh Đức vẫn son sắt tin rằng sẽ có một phép lạ xảy ra, và rằng cháu Loan sẽ có ngày được tự đứng trên chính đôi chân của mình.
Bé Loan chợt tỉnh giấc. Thấy bố và chúng tôi vẫn đang nói chuyện, bé với về phía Đức. Bàn tay khuyết ngón sần sùi của anh khe khẽ nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ, gầy guộc của Loan như bao đêm vẫn thế.
Hành trình dài 12 năm vẫn chưa kết thúc…
12 tuổi và ngót nghét 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành, nhưng cô bé Nguyễn Thị Loan vẫn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong veo nhất. Với em, thế giới là khoảng sân trước nhà, là những ngày cùng bố mẹ đi hái trái càphê, là lớp học với nhiều điều em chưa biết. Chưa lúc nào, con chim non bé bỏng đáng thương ấy ngừng mơ ước, những giấc mơ bình dị đến nao lòng.
Bài 3: Bài 3: Ước mơ chưa tròn và những ca mổ đau đớn của cô bé chân voi